“Thương dân, gần dân, lấy dân làm gốc”
(BDO) “Tôi tôn kính nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - một nhà lãnh đạo tài ba. Đồng chí luôn được tôn vinh là một tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương dân, gần dân, lấy dân làm gốc”. Đây là những cảm nhận của đồng chí Phan Văn Đương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Đồng chí Phan Văn Đương cho biết ông vinh dự được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ những năm ông còn là Chủ tịch UBND TX.Thủ Dầu Một và khi ấy, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Theo lời kể của đồng chí Phan Văn Đương, dù tình hình kinh tế còn rất khó khăn, nhưng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã coi trọng sự phát triển của đô thị. Những năm ấy, hội nghị về đô thị, giải pháp để phát triển đô thị thường xuyên được tổ chức. Vì vậy, đồng chí được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ thời kỳ ấy. Sau này, nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười cũng nhiều lần đến thăm và làm việc với tỉnh Sông Bé - Bình Dương.
Đồng chí Phan Văn Đương (phải), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chụp hình lưu niệm với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: X.L
Theo đồng chí Phan Văn Đương, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không chỉ là một tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; một con người kiên trung mà ở nguyên Tổng Bí thư còn hội tụ đầy đủ tố chất của một người lãnh đạo đất nước mạnh dạn đổi mới, sâu sát với thực tiễn. Cả cuộc đời đồng chí Đỗ Mười là một quá trình chiến đấu kiên cường, lao động không mệt mỏi vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, trưởng thành từ phong trào công nhân, từ thời tuổi trẻ, đồng chí đã sớm phải trải qua lao khổ khi bị giặc Pháp bắt và bị kết án 10 năm tù. Chính nhà tù thực dân là nơi giúp đồng chí nuôi dưỡng ý chí, rèn luyện thêm lý luận cách mạng. Đồng chí đã đảm trách nhiều nhiệm vụ; từ những hoạt động khẩn trương trong cuộc vận động Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, làm bí thư nhiều tỉnh thời kháng chiến, phụ trách quân sự và chính trị ở quân khu… Ở nơi nào nóng bỏng nhất, công việc nào khó khăn nhất là đồng chí đều có mặt...
Cũng theo đồng chí Phan Văn Đương, năm 1991, đồng chí Đỗ Mười đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII. Đây cũng là thời điểm Liên bang Xô viết tan rã; một thời điểm khó khăn của Đảng ta nói riêng và phong trào cộng sản thế giới nói chung; đất nước ta đứng trước những thử thách hiểm nghèo. Với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền của cách mạng nước ta qua cơn sóng dữ. Trước những thử thách của thời cuộc, đồng chí đã tập hợp lực lượng của toàn Đảng, toàn dân, thống nhất tư tưởng, hành động, kiên định con đường đổi mới. Chính tại thời khắc lịch sử này, bản lĩnh của người cộng sản được tôi luyện qua nhiều thử thách trong đấu tranh cách mạng ở đồng chí Đỗ Mười đã được phát huy cao độ. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người có công lớn đối với những thành tựu trong công cuộc đổi mới cơ chế kinh tế và kiện toàn hệ thống chính trị, đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.
Gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân là bản chất, là tính cách tự nhiên của đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí luôn gần gũi và sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù bận trăm công ngàn việc đồng chí vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân, trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền. Đặc biệt quan tâm đến những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xác lập thêm một hình thức tri ân đền ơn đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội ta.
Đồng chí Phan Văn Đương cho rằng, Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ghi dấu ấn đậm nét của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Xuất phát từ quan điểm thương dân, gần dân, luôn lấy dân làm gốc, xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một chủ trương quan trọng và cấp bách nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Theo đó, tất cả các việc liên quan đến cuộc sống của người dân đều đã được công khai cho nhân dân biết; nhiều việc liên quan đến huy động sức dân được đưa ra cho nhân dân bàn và quyết định. Nhiều dự án đầu tư được đưa ra cho nhân dân kiểm tra, giám sát. Những quy định này không chỉ hạn chế được tình trạng tiêu cực ở cơ sở mà còn trở thành tiền đề tập hợp và khơi dậy sức dân, triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước...
THU THẢO (lược ghi)