Thương binh Lê Đức Tứ: Tấm lòng nhiệt huyết với công việc viết sử
(BDO) “Mỗi cuốn sử tôi coi như một bó nhang”, ông Lê Đức Tứ (còn gọi là Sáu Tứ) ngụ tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo đã nói như thế. Ông là một tấm gương thương binh được người dân địa phương kính trọng. Bên cạnh lối sống chan hòa, chừng mực, ông còn là “nhà sử học”, đã cho ra đời nhiều tác phẩm ghi lại dấu ấn anh hùng của vùng đất hào hùng này.
Ông Lê Đức Tứ đang đọc lại cuốn sách lịch sử do ông chủ biên
Duyên tình Bắc - Nam
Khi 18 tuổi, ông đi bộ đội Quân khu Đông Bắc ở Quảng Ninh. Năm 1968, khi giao chiến ở trận Khe Sanh, cột sống lưng của ông bị bom găm trúng. Năm 1969, ông về làm giao liên Liên trạm 2 Đoàn 90 Cục Hậu cần miền Đông Quân khu 7. Nhiệm vụ là đưa công văn, binh đoàn từ Bắc vào Nam và tải võng thương binh nặng từ Nam ngược ra Bắc. Năm 1971, ông chuyển về Ban Tổ chức Cán bộ của Đoàn 210. Năm 1977, là Trưởng phòng Tổ chức huyện và Chánh Văn phòng Huyện ủy Tân Uyên. Từ đây, ông bắt đầu kiêm nhiệm nhiều chức vụ qua các năm như: Bí thư chi bộ xã Tân Lập; Bí thư Đảng ủy xã Phước Hòa; Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Uyên; Chánh Văn phòng Huyện ủy Phú Giáo; Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Vĩnh. Đến năm 2009, ông nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt Đảng tại nơi cư trú và tích cực tham gia các phong trào.
Vì là người làm kinh tế giỏi, ông còn chỉ người dân cách làm ăn “đem kinh nghiệm kinh tế ra để trao đổi”. Ai không có vốn, ông sẵn sàng cho vay giúp đỡ. Luôn muốn san sẻ, bắt nguồn từ tinh thần tương thân tương ái của tình đồng chí đồng đội; quý trọng tình người vì khắc cốt ghi tâm ơn cứu mạng của đồng bào ruột thịt mà ông đã trải qua trong chiến tranh. Ông nhớ, năm 1973, khi đang hoạt động trong vùng Bông Trang - Nhà Đỏ, ông bị thương nặng, gót chân bị cắt đứt. May mắn lúc đó, gia đình vợ ông đi ngang, đưa ông lên xe bò, chở về nuôi dưỡng và cất giấu. Chính vì vậy, vào năm 1975, khi quê hương yên bề khói lửa, ông đã về lại xã Tân Bình thăm những người đã cứu mình. Thế rồi, ông kết duyên với người con gái trong gia đình ấy.
Vừa khai hoang, vừa chí thú làm kinh tế, hiện ông sở hữu được 14 ha cây cao su đang trong thời kỳ khai thác. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm gà Đông Tảo, 1 năm xuất 2 đợt, khoảng 200 - 300 con/đợt. Tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, vừa tạo việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Giỏi về kinh tế, nhưng nhiều người biết ông với lĩnh vực khác. Người ta gọi ông là “nhà viết sử ngoại đạo” với lý do “không phải cán bộ chuyên viết lịch sử mà lại viết được sử”.
Lòng nhiệt huyết với lịch sử
Bắt đầu viết cuốn sử đầu tiên là năm 2002. Đến nay, ông đã cho ra đời 5 tác phẩm viết về: Lịch sử huyện Tân Uyên, Lịch sử xã Tân Bình anh hùng, Lịch sử xã Phước Hòa anh hùng, Lịch sử xã Vĩnh Hòa, Lịch sử thị trấn Phước Vĩnh anh hùng. Hiện ông còn đang sưu tầm tư liệu, hình ảnh, miệt mài hàng ngày để hoàn thành cuốn sử thứ 6 viết về Lịch sử Công an huyện Phú Giáo. Ông nói: “Làng đi 21 người thì còn có một mình mình (làng ông ở xã Ngọc Thành, huyện Kim Đồng, tỉnh Hưng Yên). Dù có sơ đồ, đánh dấu vết nhưng qua thời gian bom cày đạn xới sao mà tìm thấy hết. Tôi luôn thương nhớ anh em, viết sử để nhớ, mà cũng để tri ân những người đã khuất”.
Là một người đam mê chép lại thời gian, ông không từ nan bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông kể, khi ông gặp một cán bộtừng công tác ởHuyện ủy Tân Uyên để hỏi và xin tư liệu viết lịch sử của huyện, ông đãgiúp việc nhàcho vịcán bộnày đểbác cóthời gian tiếp chuyện với ông. Với ông “viết sử là cả một thiên tiểu thuyết. Dù thiếu một chi tiết nhỏ, cũng không viết liền mạch được, phải tìm hiểu kỹ và chính xác”. Từng sống, chiến đấu cùng đồng đội trong những năm khói lửa, ông ngậm ngùi: “Tất cả liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Tình yêu còn chưa có, tình cảm với gia đình còn chưa định hình hết mà ý chí căm thù giặc luôn cao cả. Những người xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước đó đã nằm xuống, gia đình bị mất mát trong chiến tranh rất nhiều. Nếu không ghi lại, con cháu sao hồi tưởng hết được”. Nhờ thành tựu nổi bật, ông là người duy nhất không ở trong ngành viết sử, nhận được Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lịch sử Đảng viết sử tại các địa phương” do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng năm 2005.
“Tôi viết sử với cả một tấm lòng của người thấu hiểu sự hy sinh của các chiến sĩ, cảm nhận được tất cả những mất mát, thiệt thòi đó. Tôi viết sử như để đốt lên nén hương tưởng nhớ ghi ơn, mỗi cuốn sử tôi coi như một bó nhang thơm dâng lên linh hồn các chiến sĩ!”
(Ông Lê Đức Tứ tâm niệm)
THÙY DƯƠNG