Thuế nhập khẩu giảm: "Đừng mơ giá xăng dầu giảm"

Thứ ba, ngày 27/04/2010

Lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khẳng định việc giảm giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian ngắn trước mắt là điều không tưởng, bất chấp động thái giảm thuế nhập khẩu xăng dầu vừa được Bộ Tài chính ban hành. Lý do của khẳng định này là hiện họ vẫn đang lỗ nặng...

 

Thuế giảm vẫn lỗ

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kìm giá các mặt hàng thiết yếu, tính đến thời điểm hiện tại chỉ thị này vẫn đang phát huy tác dụng với việc giá xăng dầu trong nước đã “đứng yên” được hơn 2 tháng theo lệnh của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng qua, diễn biến giá xăng dầu thế giới lại liên tục tăng mạnh, gây bất lợi cho chính sách bình ổn xăng dầu, giữ giá bán lẻ trong nước hiện nay.

 

Trước khó khăn trên của các doanh nghiệp, ngày 21-4 Bộ Tài Chính đã cho phép giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng sẽ được giảm 3% từ mức 20% còn 17%. Các mặt hàng dầu hỏa, diezel giảm 5% xuống mức 10%, thay cho mức thuế suất 15% đang áp dụng hiện nay. Tuy nhiên với mức giảm này, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn đang phải chịu lỗ với mức khá cao.

 

Theo của Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến cuối tuần trước, giá bình quân gia quyền của 30 ngày tại thị trường Singapore đối với mặt hàng xăng dầu thành phẩm là: xăng RON92 có giá 90,61 USD/thùng; Điêzen 0.05S là 93,06 USD/thùng; Dầu hoả là 92,31 USD/thùng; Madút 3,5S là 481,26 USD/tấn.

 

Với mức giá này sau khi trừ đi các khoản chi phí, cước vận chuyển và các loại thuế khác, doanh nghiệp vẫn đang chịu mức lỗ khá cao, cụ thể: xăng RON92 lỗ 1.417 đồng/lít, dầu diêzen 0.05S lỗ 1.606 đồng/lít, dầu hoả lỗ 1.611 đồng và Madút 3,5S lỗ 554 đồng mỗi lít. Mức lỗ này đã được doanh nghiệp trừ đi 300 đồng lợi nhuận định mức.

 

Cùng với những khó khăn trên, hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác trong nước cũng đang chịu sức ép lỗ nặng phổ biến ở mức khoảng 1.000 đồng/lít.

 

Theo tính toán của đại diện Tổng công ty xăng dầu Quân đội, hiện công ty cũng đang lỗ khoảng trên 1.000 đồng/lít sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí.

 

Cố gắng cầm cự hết tháng 6

 

Trước tình hình căng thăng của các doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua Bộ Tài Chính đã chính thức xả quỹ bình ổn xăng dầu với mức tối đa 400 - 500 đồng/lít. Mới đây nhất là giảm thuế nhập khẩu với mục đích giảm bớt áp lực, khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

 

Việc đưa ra hàng loạt các giải pháp để kìm giá xăng dầu với mục đích thực hiện tốt Nghị định 84 về quản lý giá xăng dầu, giãn thời gian điều chính giá mặt hàng này đến hết tháng 6-2010. Tuy nhiên động thái này, theo các doanh nghiệp cũng không làm hết khó khăn hiện tại mà họ đang phải gánh chịu.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, các biện pháp vừa được Bộ Tài Chính “phát lệnh” trong thời gian vừa qua đã làm giảm bớt một phần nhỏ khó khăn của doanh nghiệp khi giá dầu thành phẩm trên thị trường Singapore liên tục tăng cao. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn và đang phải chịu gánh chịu mức lỗ kỷ lục.

 

Theo ông Dũng, để thực hiện tốt nhất chính sách kìm chế lạm phát của Chính phủ, không tăng giá các mặt giá xăng dầu đến hết tháng 6, doanh nghiệp này đang vạch lên những kế hoạch cụ thể với khả năng cho phép của mình, cố gắng hết sức trong điều kiện có thể để cầm cự như: tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí kinh doanh…

 

"Theo nhiều thông tin, động thái giảm thuế nhập khẩu của Bộ Tài Chính sẽ làm giảm giá xăng dầu trong thời gian tới là điều “không tưởng” và không thể xảy ra. Vì hiện tại để trụ vững không tăng giá trong thời gian trên là một cố gắng lớn của các doanh nghiệp" - ông Dũng khẳng định.

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Quân đội cho biết, khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xăng dầu là khó khăn chung, tuy nhiên Công ty cũng sẽ cố gắng để có thể duy trì mức giá này đến hết tháng 6 theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo VnMedia