Thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Cần sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước và doanh nghiệp

Thứ ba, ngày 12/07/2016

(BDO) Trong thời gian qua, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể quyền SHTT, của người sử dụng…; đồng thời thúc đẩy hoạt động sáng tạo cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi quyền SHTT vẫn còn một số bất cập do nhận thức pháp lý của công chúng về SHTT còn thấp, cơ chế bảo đảm việc thực thi chưa hoàn thiện, còn chồng chéo…

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiêu hủy hàng hóa vi phạm SHTT, kiểu dáng công nghiệp Ảnh: THANH HỒNG  

Còn nhiều vướng mắc

Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống pháp luật Việt Nam về thực thi quyền SHTT tương đối đầy đủ, hiện đại và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, phải kể đến Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật SHTT, Luật Cạnh tranh… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, do việc phân công cho nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng và thẩm quyền xử lý hành chính về SHTT xử phạt khiến cho hiệu lực thực thi bị phân tán và trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng quá nhiều đầu mối khiến cho các chủ thể cần sử dụng cơ chế này cũng lúng túng, không biết kêu ai; các cơ quan liên quan cũng dễ nảy sinh tâm lý đùn đẩy hoặc giẫm chân nhau. Ngoài ra, còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, những quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất hoặc thiếu quy định cần thiết trong xử lý hành vi vi phạm SHTT; cùng với đó một số nội dung giữa Luật SHTT và Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa thống nhất, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn…

Theo các nhà chuyên môn, khó khăn nữa là các văn bản quy phạm pháp luật còn có sự chồng chéo, khó áp dụng, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan thực thi. Thực tế hiện nay, việc xử lý xâm phạm SHTT vẫn tập trung vào biện pháp xử phạt hành chính; theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đến 250 triệu đồng. Nhiều đơn vị cho rằng, mức phạt này vẫn chưa thỏa đáng, quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên có trường hợp phạt xong doanh nghiệp (DN), đơn vị vi phạm lại tiếp tục vi phạm.

Đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú cho biết, khi phát hiện sản phẩm nhái Sắc Ngọc Khang chính hiệu có tên gọi Mủ trôm Sắc Ngọc Khang của Công ty Tân Đại Dương xuất hiện trên thị trường, công ty đã khiếu nại lên Bộ Khoa học và Công nghệ. Kết quả, Công ty Tân Đại Dương bị phạt 20 triệu đồng, buộc phải chấm dứt sản xuất cũng như thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm. Tuy nhiên, Công ty Tân Đại Dương vẫn không thu hồi hết sản phẩm vi phạm, nhãn hàng Mủ trôm Sắc Ngọc Khang vẫn được bán ở các chợ cũng như cửa hàng tạp hóa. Sau khi công ty phản ánh, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xử phạt Công ty Tân Đại Dương lần thứ hai về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang chính hiệu.

Một số DN gốm sứ trên địa bàn tỉnh chia sẻ, hiện nay, họ đang rất đau đầu vì các sản phẩm của công ty bị làm giả về mẫu mã và kiểu dáng. Để bảo vệ, các công ty chân chính chỉ còn cách giúp người tiêu dùng phân biệt được những đặc tính ưu việt của hàng chính hãng mà các sản phẩm nhái không làm được…

Cần chia sẻ thông tin

Hiện nay, các hành vi vi phạm SHTT ngày càng tinh vi hơn, mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác như sáng chế, bí mật kinh doanh, tác quyền, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh... Không chỉ các mặt hàng rẻ tiền mà thậm chí những mặt hàng cao cấp có giá trị cao cũng bị xâm phạm khiến các cơ quan thực thi đôi khi còn phải lúng túng trong việc phân biệt thật - giả.

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng, để việc thực thi SHTT có hiệu quả thì các ngành, các cấp cần quan tâm đào tạo kiến thức chuyên môn và trang bị công cụ kỹ thuật chống hàng giả cho những người làm công tác chống hàng giả. Đồng thời, DN cũng phải vào cuộc để bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình. Trong một số trường hợp biết chắc là hàng giả, đã giữ hàng rồi DN cũng cần trả lại vì chủ sở hữu nhãn hiệu không có đại diện tại Việt Nam. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi cơ quan chức năng yêu cầu DN cung cấp thông tin về sản phẩm và cách phân biệt hàng thật - giả thì một số DN còn ngần ngại tham gia vì sợ người tiêu dùng biết sản phẩm bị giả nhiều sẽ có sự lựa chọn khác.

“Không ai biết rõ hơn sản phẩm bằng chính các chủ thể quyền SHTT, DN. Sự chia sẻ thông tin của các chủ thể quyền SHTT, DN sẽ giúp cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT”, ông Lê Tất Chiến, Phó trưởng phòng Quản lý và Phát triển hoạt động sáng tạo Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công Nghệ) nói. Ông Chiến cũng nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT, các địa phương cần nhanh chóng xây dụng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp; đồng thời nâng cao năng lực, chuyên môn của hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT. Đối với chủ sở hữu SHTT, DN cũng phải tự bảo vệ chính mình và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm SHTT. Có như vậy mới làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, thu hút được các nguồn đầu tư vào hoạt động sáng tạo, nhất là trong quá trình hội nhập.

 

 HOÀNG PHẠM