Thực thi hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức

Thứ năm, ngày 19/11/2015

(BDO) Đầu tháng 10 vừa qua, đại diện của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã họp báo và tuyên bố kết thúc đàm phán.

Hiệp định TPP kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước thành viên và Việt Nam là một trong những nước có nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định TPP.

 Khi tham gia Hiệp định TPP, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật Bản với các sản phẩm như nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ…

Và hôm qua (18-11), cuộc họp cấp cao của lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định TPP lần thứ 6 đã diễn ra tại thủ đô Manila (Philippines). Đây là lần gặp lại nhau đầu tiên kể từ khi kết thúc đàm phán tại Attlanta (Mỹ) vào đầu tháng 10 vừa qua. Kết thúc cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của 12 quốc gia thành viên cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn ở mỗi nước để sớm đưa Hiệp định TPP đi vào thực thi.

Có thể nói đây là kết quả của sự quyết tâm chung và nỗ lực vượt bậc của tất cả các nước thành viên kết thúc sau hơn 5 năm đàm phán. Đây không chỉ là thành quả to lớn, thể hiện tầm nhìn chung của 12 quốc gia thành viên Hiệp định TPP, mà còn đối với tương lai của khu vực trong nhiều thập niên tới. Với mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư sâu rộng nhất, Hiệp định TPP sẽ thúc đẩy, mở rộng các liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên, tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực.

Tuy nhiên, khi tham gia Hiệp định TPP sẽ tạo ra sức ép không nhỏ trong việc đổi mới, cạnh tranh… Trong đó, nông sản và dệt may sẽ là hai lĩnh vực có lợi thế nhiều nhất. Khi các nước thực hiện cam kết Hiệp định TPP, đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ. Lúc này, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng rất khắt khe. Nhưng đây cũng là một trong những điểm yếu đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu tăng trong khi xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước thì không những không phát triển và phát huy được lợi thế, lĩnh vực nông nghiệp còn có nguy cơ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Đây cũng là áp lực không nhỏ đối với các nhà sản xuất cũng như xuất khẩu của Việt Nam. Bởi nếu không chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể các nông sản Việt Nam thậm chí còn không tiêu thụ được ngay tại thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.

NHẬT HUY