Thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới: Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội

Thứ bảy, ngày 04/07/2020

(BDO) Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được cho là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) vươn ra “biển lớn”, nhưng nghịch lý đang diễn ra là một số DN chưa quan tâm đúng mức về những lợi ích cũng như quy định khắt khe của các FTA này.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty giày Đông Hưng (TP Dĩ An) Ảnh: T.MY

 Cn hiu rõ các quy đnh

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Bình Dương, cho biết việc Việt Nam tham gia một số FTA đang tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn. Theo đó, làn sóng này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (XK), cũng như gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Điều này đặt ra cho DN Việt cả cơ hội lẫn thách thức.

Đầu tiên, FTA thế hệ mới cũng là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng đón nhận những làn sóng đầu tư FDI. Từ đó có thể tận dụng nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ sản xuất, dịch vụ hiện đại từ những nhà đầu tư nước ngoài… Trong đó, thương mại, đầu tư phát triển là cơ sở để cải thiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cơ hội rõ ràng tiếp đến mà các FTA mang lại đó là giúp Việt Nam có thể mở rộng tiếp cận những thị trường XK rộng lớn.

Bên cạnh cơ hội, các FTA thế hệ mới cũng tạo ra nhiều thách thức cho các DN Việt Nam, trong đó việc thực thi các cam kết về thể chế, môi trường kinh doanh, chính sách, pháp luật... Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đặt ra yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm XK, phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng ưu đãi thuế. Trong khi đó một số ngành XK chủ lực của Việt Nam lại không chủ động được về nguyên vật liệu. Theo điều tra 8.600 DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong năm 2019, có tới 73,13% DN đánh giá rằng quy tắc xuất xứ quá khó để có thể đáp ứng.

Thách thức thứ hai phải kể đến là các DN phải đối mặt với nhiều rào cản phi thuế quan hơn. Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các nước thường có xu hướng sử dụng nhiều hơn những rào cản phi thuế quan như các biện pháp cấm, hạn ngạch về số lượng, giá trị được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định; hàng rào kỹ thuật trong thương mại… Ngoài ra, các DN còn có khả năng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đem lại nguy cơ mất cân bằng thương mại… Một thách thức rất lớn không chỉ đến từ thị trường xuất khẩu mà đến từ ngay từ thị trường trong nước hiện nay đang được các chuyên gia rất quan tâm, lo lắng là khi EVFTA có hiệu lực, trong nước thuế ưu đãi được cắt giảm ngay lập tức đến 48,5%. Điều này sẽ gây ra sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa Việt ngay trên sân nhà. Nếu không nắm rõ các thách thức, thay đổi để đáp ứng và cạnh tranh kịp thời thì chính DN không những không có lợi thế mà còn thất bại.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Minh Trí trên thực tế rất nhiều DN còn khá “thờ ơ” với các FTA thế hệ mới. Điều này sẽ đẩy DN vào thế bị động trong việc phát triển sản xuất, giữ vững thị trường. Ông Trí kiến nghị ngành công thương cần phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền về các FTA trong thời gian sớm nhất, tạo nhiều kênh thông tin để DN có thể tiếp cận các quy định.

Không th dm chân

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đối với Việt Nam CPTPP, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh, hợp tác và nâng cao năng lực, khuyến khích phát triển các dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông và nhập cảnh tạm thời cho các nhà cung cấp dịch vụ, như hải quan, logistics và thương mại điện tử… Tuy nhiên, thực tế chứng minh sau hơn 1 năm thực thi CPTPP, các ngành dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… vẫn chưa khai thác triệt để thị trường này. Hàng dệt may vẫn chiếm giá trị cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP, nhưng sau 1 năm thực thi hiệp định, giá trị XK mặt hàng này chỉ tăng 7,72%; hàng thủy sản chỉ tăng 2,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8,11%... Những con số trên cho thấy, mặc dù giá trị XK của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng, nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với các thị trường khác.

Với cộng đồng DN Bình Dương, khi chúng tôi đặt vấn đề về việc tận dụng các FTA thế hệ mới, phần lớn đều trả lời “chưa hiểu rõ”, dù đó là các “ông lớn” của ngành gỗ, dệt may, giày da… Điều này đã và đang là một bất lợi của DN khi mà Việt Nam được đánh giá đang có lợi thế rất lớn từ các hiệp định này. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, trong thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền kiến thức về các FTA thế hệ mới đến các DN. Quan trọng hơn nữa DN cần chủ động tìm hiểu, tận dụng các FTA, giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực xuất khẩu.

Ngành Công thương Bình Dương hiện đang đẩy mạnh việc triển khai đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu đầu vào trung gian, tăng hàm lượng nội địa và đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ để có thể hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA này. Theo các chuyên gia, kinh doanh là chuyện không ai có thể làm thay DN. Vì vậy, việc DN có chủ động tìm hiểu các cơ hội ưu đãi không, có chủ động thay đổi cách thức sản xuất đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi không… sẽ quyết định phần lớn việc DN có được hưởng lợi từ các FTA và hưởng lợi bao nhiêu. Nếu không, dù các FTA có bày ra nhiều cơ hội đến đâu cũng khó thể trở thành hiện thực.

 CPTPP với 11 nước thành viên là thị trường lớn với gần 500 triệu dân. Năm 2019, tổng GDP của các nước thành viên đạt 11,26 ngàn tỷ USD (đóng góp khoảng 13% GDP toàn cầu), với tổng kim ngạch thương mại chiếm 14,4% tổng thương mại toàn cầu. Đối với thị trường châu Âu, EVFTA sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường gồm 27 quốc gia thành viên EU với hơn 500 triệu dân, tổng GDP năm 2019 của các nước thuộc EU đạt 18,29 ngàn tỷ USD (chiếm khoảng 21,12% tổng GDP toàn cầu).

 TIỂU MY

Từ khóa: