Thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công

Thứ hai, ngày 27/07/2015

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Bình Dương đã dành sự quan tâm đặc biệt tới các gia đình chính sách (GĐCS), góp phần chia sẻ, bù đắp những khó khăn mất mát, cải thiện đời sống cho họ. Từ đó, Bình Dương là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên đạt 100% các xã, phường, thị trấn được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công nhận “Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công (TB, LS, NCC)”.

(BDO)

 

Ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, tặng quà cho mẹ VNAH Đỗ Thị Đẻo (xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên). Ảnh: Q.NHƯ

 Nghĩa tình tiếp nối nghĩa tình

Những ngày tháng 7 tri ân, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các sở, ban ngành, đoàn thể và lãnh đạo các huyện, thị, thành phố vừa tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà động viên GĐCS. Việc làm đó thể hiện sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những người đã không tiếc máu xương vì hòa bình, độc lập của đất nước. Tại các gia đình đoàn đến thăm, chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng của họ khi được nhận những phần quà ý nghĩa của Đảng, Nhà nước.

Tại nhà bà Nguyễn Thị Cơi (SN 1922) là mẹ - vợ LS ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng khi có đoàn đến thăm, bà đã cố gắng ngồi dậy nắm lấy tay từng thành viên trong đoàn để thay lời cảm ơn. Bà Cơi có chồng là LS Trần Văn Lang (hy sinh năm 1969), con trai là LS Trần Văn Cai (hy sinh năm 1972) tại các chiến trường ở huyện Dầu Tiếng. Bà vui mừng khi được Đảng, Nhà nước quan tâm. Mỗi dịp lễ, tết bà còn được lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đến thăm, tặng quà.

Hai căn nhà tình nghĩa mới được Phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Tân Uyên vận động xây tặng và bàn giao trong dịp 27-7 này đã đem lại niềm vui, cảm xúc khó tả cho gia đình ông Nguyễn Đắc Thắng (xã Tân Thành), cán bộ kháng chiến và ông Đinh Văn Kẽm (xã Thường Tân), con LS. Ông Nguyễn Đắc Thắng không giấu niềm vui khi được ở trong ngôi nhà mới khang trang.

Niềm vui cũng được nhân lên khi đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời, bà Lê Thị Dánh, mẹ thương binh 1/4 Lê Văn Sương, ấp Vĩnh Trường, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên vừa được xây tặng căn nhà khang trang, trị giá 50 triệu đồng. Ông Sương nói, ông cảm thấy vui mừng khi những đóng góp của mình trong chiến tranh đã phần nào được bù đắp. Ông cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình ông cùng những hộ GĐCS khác.

Đi, gặp, tâm sự với những GĐCS, ai ai cũng đều cảm thấy ấm lòng khi có nhiều sự quan tâm dành cho mình. Trước sự quan tâm đó, họ hứa sẽ nỗ lực hơn nữa vươn lên ổn định cuộc sống, giáo dục con cháu nên người. Ông Nguyễn Thanh Nhã (thương binh loại 2/4, ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên) nói: “Hy vọng lãnh đạo tỉnh và địa phương sẽ phát huy nhiều hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa. Riêng bản thân tôi sẽ thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”; giáo dục con cháu trở thành những công dân tốt cho xã hội”.

Thể hiện sự tri ân

Bình Dương hiện quản lý trên 52.000 hồ sơ NCC. Trong đó, đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) cho 1.672 mẹ (hiện còn sống 97 mẹ), 16.155 liệt sĩ, 3.613 TB các hạng, 658 bệnh binh, 4.656 NCC cách mạng trợ cấp một lần và hàng tháng… Tri ân thế hệ đi trước, Bình Dương luôn coi việc quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm. Bằng những việc làm thiết thực như tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, hưởng chế độ chính sách, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ làm ăn… GĐCS, NCC trên địa bàn tỉnh đã phần nào vơi đi nỗi đau chiến tranh.

Riêng đối với 97 mẹ VNAH còn sống, tỉnh đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến cuối đời; 116 thương bệnh binh nặng và các gia đình LS khác có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu chăm sóc. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thông qua việc cấp bảo hiểm y tế để được điều trị miễn phí khi ốm đau, hay khi thương tật tái phát, các mẹ VNAH, TB nặng được chăm sóc sức khỏe theo chế độ khám chữa bệnh cán bộ trung cao. Ngoài ra, các tổ chức, đoàn y bác sĩ trong những dịp lễ, tết cũng thường xuyên đến các địa phương tổ chức khám bệnh, tặng quà và cấp thuốc miễn phí cho GĐCS.

Ngoài giải quyết chế độ chính sách thông qua mức hỗ trợ hàng tháng, GĐCS, NCC còn được nhận những phần quà ý nghĩa. Qua 18 năm (1997- 2015), trên 683.452 lượt đối tượng chính sách được tặng quà với tổng số tiền trên 350,7 tỷ đồng. Những gia đình khó khăn về nhà ở còn được xây tặng nhà tình nghĩa với hơn 5.600 căn. Ngành LĐ-TB&XH tỉnh còn tạo điều kiện cho NCC được tham quan du lịch, đi điều dưỡng để phần nào xóa đi nỗi đau do chiến tranh để lại. Theo đó, hàng năm tỉnh đều trích ngân sách từ 1 - 2 tỷ đồng tổ chức cho 1.102 đối tượng là các mẹ VNAH, cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và NCC tiêu biểu đi viếng Lăng Bác, tham quan Côn Đảo và Phú Quốc.

Riêng đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tuổi xanh cho đất nước, tỉnh đã tổ chức tìm kiếm, quy tập 1.726 hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) tỉnh, NTLS 4 huyện, thị; đồng thời, lập 59 nhà bia tưởng niệm cấp xã và 15 tượng đài chiến thắng. Tỉnh đã đầu tư trên 158 tỷ đồng để nâng cấp và cải tạo hệ thống NTLS tỉnh và các huyện, thị; đầu tư trên 9 tỷ đồng xây dựng 35 nhà bia ghi tên và công trình tưởng niệm liệt sĩ. Công tác quản lý nghĩa trang luôn được cải thiện để phục vụ nhu cầu tìm kiếm và thăm viếng mộ liệt sĩ.

Bà Huỳnh Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, với sự quan tâm của tỉnh, GĐCS đã không ỷ lại mà nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Kết quả, cuộc sống của họ bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân nơi cư trú. Đến nay chỉcòn 13 hộ nghèo. Để công tác đền ơn đáp nghĩa đi vào chiều sâu, ngoài việc bảo đảm cho NCC ổn định về cuộc sống, các cấp, các ngành còn phải chăm lo về đời sống tinh thần; đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm, giúp những GĐCS khó khăn. Chăm lo nhiều hơn nữa đến việc giáo dục - đào tạo cho con liệt sĩ, thương bệnh binh trở thành những công dân có ích cho xã hội.

 T.LÝ