Thực hiện tốt công tác quản lý an toàn hóa chất: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư, ngày 15/08/2018

(BDO)  Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh của cả nước, với nhiều doanh nghiệp sản xuất, gia công sử dụng lượng lớn hóa chất nguyên vật liệu. Chính vì vậy, việc tập huấn và diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên đường vận chuyển là việc làm hết sức có ý nghĩa và cũng là vấn đề được tỉnh Bình Dương hết sức quan tâm. Không nằm ngoài mục đích đó, vừa qua, Sở Công thương phối hợp với Hiệp hội Hóa chất Việt Nam đã tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên đường vận chuyển trên địa bàn tỉnh.

 Bảo đảm an toàn hóa chất

Bình Dương là tỉnh công nghiệp, với tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm đến 64% trong cơ cấu kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, với diện tích 12.743 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 73,8% và 12 cụm công nghiệp, diện tích 794 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 67%. Tỉnh đang triển khai mở rộng, xây dựng mới một số khu công nghiệp và tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, nhu cầu sử dụng hóa chất phục vụ các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng nhanh cả về số lượng, chủng loại. Có thể thấy, hiện nay hầu hết các hoạt động sản xuất công nghiệp đều có sử dụng hóa chất. Chính vì thế, việc tập huấn và diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên đường vận chuyển là việc làm hết sức có ý nghĩa và cũng là vấn đề được tỉnh Bình Dương rất quan tâm.

Các học viên tham gia diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên đường vận chuyển. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Ông Tanachart Ralsiripong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BASF Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I), cho biết đối với công ty việc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất rất quan trọng. Công ty thực hiện chương trình diễn tập như thế này để nhằm bảo đảm, ứng phó tình huống thực tế khi xảy ra sự cố, để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường cũng như dân sinh. Ông Tanachart Ralsiripong cho rằng văn hóa an toàn không chỉ nên dừng lại ở những chương trình diễn tập mà nên biến thành những thói quen về an toàn, cũng như văn hóa an toàn trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Thực hiện nhiều giải pháp

Hóa chất nói chung có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, hóa chất cùng với những đặc điểm lý hóa tính của nó thường là độc hại cho sức khỏe và tác động xấu đến môi trường. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hóa chất nếu không thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sẽ dễ xảy ra các sự cố hóa chất. Đó làsựviệc bất thường xảy ra liên quan đến hóa chất như cháy, nổ, ròrỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người và thiệt hại vềtài sản, gây hại cho động thực vật, môi trường và có thể gây ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội. Đặc biệt, nhiều loại hóa chất có nguy cơ cháy, nổ rất cao.

Các sự cố cháy, nổ thường gặp thời gian qua là nổ do hóa chất dễ cháy trong công nghiệp, nổ bình gas trong khu dân cư, nổ đường dẫn khí như nồi hơi, đường dẫn trong các nhà máy lọc dầu... Các chất lỏng dễ cháy như xăng dầu và các dung môi dễ bay hơi trong các sản phẩm công nghiệp như sơn, mực in, chất kết dính, các chất lỏng làm sạch…

Để phòng, chống nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hóa chất nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng đề ra, như thiết kế nhà kho hóa chất, nơi sử dụng hóa chất; khi sắp xếp hóa chất phải phân loại và xếp riêng biệt các loại hóa chất dễ cháy, nổ. Bên cạnh đó là giải pháp khu vực sắp xếp các loại hóa chất này phải có chú thích rõ ràng; hóa chất kỵ nước nên được xếp ở gian kho riêng biệt, bảo đảm kín và cách ly với khu vực xung quanh; thiết bị, bao bì chứa chất hóa lỏng dễ cháy, nổ phải giữ đúng hệ số đầy đủ theo quy định… Đối với các hệ thống công nghệ, hệ thống điện, các thiết bị công nghệ sử dụng với hóa chất, yêu cầu phải bảo đảm độ bền cơ học, hóa học, độ chịu lửa, chịu nhiệt, độ kín theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật quy định; máy móc, thiết bị làm việc trong khu vực hóa chất dễ cháy, nổ phải là loại an toàn phòng chống cháy, nổ, trong quá trình hoạt động phải có các biện pháp bảo đảm không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập. Đối với thiết bị làm việc chịu áp lực phải thực hiện các yêu cầu của hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đối với thiết bị chịu áp lực…

Ông Phạm Huy Nam Sơn, Cục Hóa chất, Bộ Công thương, cho biết trong công tác quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt các đơn vị, doanh nghiệp không để thiết bị, đường ống chứa hóa chất dễ cháy, nổ gần nguồn phát nhiệt. Trường hợp có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp thì phải có biện pháp hạ nhiệt (sơn phản xạ, tưới nước...); không đun nóng hóa chất lỏng dễ cháy bằng ngọn lửa trực tiếp; không dùng ngọn lửa trực tiếp soi sáng để tìm chỗ hở các đường ống dẫn, thiết bị chứa hóa chất dễ cháy, nổ mà phải dùng xà phòng hoặc chất khác không có khả năng gây cháy, nổ với các hóa chất trong ống dẫn thiết bị. Đối với hóa chất nguy hiểm bị nhiều tác động, khi vận chuyển xe không được dừng, đỗ nơi phát sinh ra nguồn nhiệt và không được đỗ lâu dưới trời nắng gắt. Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển phải bảo đảm theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 66/2014/ TT-BCA ngày 16-12-2014 của Bộ Công an…

 Các chuyên gia cho biết, việc xây dựng phương án ứng phó sự cố hóa chất khi vận chuyển là cấp thiết và cần phải được các địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp chú trọng. Phương án ứng phó sự cố hóa chất vận chuyển cần được xây dựng nhằm hỗ trợ đơn vị vận chuyển, đơn vị chủ hàng và cơ quan chức năng hiểu rõ hơn những nguy cơ, chủ động trang bị các thiết bị và nhân lực, thiết lập các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và môi trường khi có sự cố xảy ra trên đường.

 

PHƯƠNG LÊ