Thực hiện thông tư 04: Các quỹ tín dụng “kêu” khó
(BDO) Thời gian qua, 10 quỹ tín dụng (QTD) nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế tập thể, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, theo các QTD, một số quy định của Thông tư 04/2015/TT-NHNN (Thông tư 04) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành vừa qua chưa thực sự phù hợp, đang khiến các QTD gặp khó khăn.
Theo lãnh đạo nhiều QTD trên địa bàn tỉnh, một số quy định trong Thông tư 04 đang khiến họ gặp khó. Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại QTD nhân dân An Thạnh
Nhiều cái khó
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc QTD nhân dân An Thạnh (TX.Thuận An) cho biết, các quy định trong Thông tư 04 đang gây khó cho QTD trên địa bàn. Điển hình là quy định đối với QTD hoạt động trên một phường, xã tỷ lệ huy động vốn của thành viên phát đạt 50%, số dư huy động đối với QTD có địa bàn hoạt động liền kề với trụ sở chính là 60%. Thực tế, có nhiều khách hàng vay làm ăn sản xuất, kinh doanh, không phải ai cũng có tiền gửi và thích gửi tiền ở quỹ. Bên cạnh đó, điều kiện để trở thành thành viên QTD theo Thông tư 04 là phải có hộ khẩu và thường trú trên địa bàn hoạt động của QTD xem ra cũng khá khắt khe.
“Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, QTD có quy mô tín dụng nhỏ, khả năng cạnh tranh ít nên rất khó để thu hút người gửi tiền. Nay bị giới hạn đối tượng gửi tiền, tỷ lệ huy động vốn... khiến QTD bị thiệt thòi rất lớn. Về quy định mức vốn góp xác lập tư cách thành viên trước đây chỉ có 50.000 đồng nay tối thiểu phải là 300.000 đồng, tiếp đó mức vốn góp thường niên tối thiểu là 100.000 đồng/năm tài chính. Điều này khó cho quỹ và cả khách hàng. Bởi cũng số tiền đó, nếu đem gửi ở các ngân hàng thương mại khác sẽ không phải đóng góp bất cứ khoản phí nào, thậm chí còn nhận quà tặng từ các ngân hàng...”, bà Nga cho biết thêm.
Sau nhiều năm hoạt động hiệu quả, năm 2009 QTD Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) đã mở rộng địa bàn hoạt động tại xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, địa bàn hoạt động này không liền kề với trụ sở của quỹ. Hiện quỹ đang cho vay tại các địa bàn lân cận với hiệu quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên, xã Long Tân lại không liền kề với trụ sở chính nhưng quỹ lại có dư nợ cho vay rất nhiều. Theo ông Mai Thanh Long, Giám đốc QTD Thanh Tuyền, thực hiện như Thông tư 04 quỹ sẽ phải ngừng không cho vay nữa. Bởi quỹ sẽ phải thu hồi vốn vay vì cho vay ngoài địa bàn.
Kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc
Với vai trò tự chủ, các QTD muốn phát triển đang phải nỗ lực vươn lên. Nhưng với 2 phương án phải chuyển đổi nâng cấp PGD thành quỹ mới hoặc phải thu hồi, cắt bỏ PGD ra khỏi địa bàn không liền kề thì phương án nào cũng khó. Ông Long cho biết, QTD Thanh Tuyền chọn hình thức chia tách PGD Long Tân ra khỏi QTD Thanh Tuyền, tức là quỹ này hoạt động độc lập. Việc chia cắt này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả hoạt động của quỹ và khách hàng.
Còn QTD nhân dân An Thạnh nếu chọn phương án nâng cấp PGD Bình Chuẩn lên thành QTD Bình Chuẩn, bà Nga tỏ ra băn khoăn: “Chúng tôi đang xây dựng lộ trình thực hiện, nhưng các thành viên không thuộc địa bàn không được tham gia hoặc buộc phải chuyển nhượng vốn góp là điều rất khó để các thành viên chấp nhận. Trường hợp các thành viên bị mất tư cách thành viên thì đồng loạt rút vốn sẽ gây bất ổn về vốn điều lệ về đầu tư tài sản cố định. Đó là chưa kể đến nguồn vốn đã cho vay, nay không cho vay lại nữa thì khả năng thu hồi vốn thấp...”.
Bà Nga kiến nghị, ngành quản lý cần nghiên cứu thêm tính bất cập đối với mô hình hoạt động thực tiễn của quỹ. QTD nhân dân An Thạnh thành lập được 20 năm nay, quỹ hoạt động với khả năng quản lý tốt, trình độ quản trị giỏi đã được NHNN đánh giá tốt thì cũng nên giữ lại cho hoạt động như cũ. Những quy định tại Thông tư 04 chỉ phù hợp với những QTD thành lập mới. NHNN, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần xem xét, kiến nghị lên cấp trên để giải quyết vướng mắc trong thời gian sớm nhất.
THANH HỒNG