Thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại

Thứ ba, ngày 07/01/2014

   Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bùi Duy Hiền (giữa) trao quyết định bổ nhiệm cho các thừa phát lại

 Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động liên quan đến THADS và TA phù hợp với Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả THADS; đồng thời giảm tải cho hoạt động của hệ thống cơ quan Nhà nước, bảo đảm quyền lợi cho người dân tốt hơn, UBND tỉnh đã chủ động định hướng việc thí điểm chế định TPL ở Bình Dương cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

TPL có thể hiểu là một nghề. Nghề TPL có lịch sử lâu đời trên thế giới; riêng ở Việt Nam, nghề TPL đã tồn tại từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1954 ở miền Bắc và đến năm 1975 ở miền Nam. TPL được dùng để chỉ những người hành nghề TPL, là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về THADS; tống đạt giấy tờ; lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ- CP thì TPL thực hiện 4 loại công việc sau: Tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của TA và cơ quan THADS. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của TA và cơ quan THADS theo những quy trình và thủ tục do pháp luật quy định; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự, nghĩa là sử dụng các biện pháp theo quy định pháp luật để xác minh khả năng thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên phải thi hành án, làm cơ sở để yêu cầu thi hành án. Cuối cùng là thi hành bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật của TA.

TPL có nghĩa vụ phải trung thực, khách quan, chấp hành pháp luật, tuân thủ quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp. Khi thực hiện công việc, TPL không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép; không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí theo hợp đồng; không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân.

Văn phòng TPL do một TPL thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng TPL do hai TPL trở lên thành lập thì tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, dù văn phòng TPL không phải là cơ quan, đơn vị của Nhà nước nhưng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao thì đây là một loại hình tổ chức dịch vụ công. TPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước là TA và THADS.

THIÊN THANH