Thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VneID

Thứ bảy, ngày 28/09/2024

(BDO) Ngày 20-9-2024, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID (Quy trình 570/ TTLLTPQG-QLHC).

Theo đó, quy trình gồm 10 bước được thực hiện như sau:

- Bước 1: Công dân kê khai hồ sơ và thực hiện thanh toán phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID;

- Bước 2: Gửi hồ sơ.

- Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ.

- Bước 4: Đẩy dữ liệu sang hệ thống phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

- Bước 5: Tiếp nhận hồ sơ từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính sang phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

- Bước 6: Tra cứu, xác minh thông tin.

- Bước 7: Cơ quan công an thực hiện tra cứu, xác minh.

- Bước 8: Nhận, cập nhật kết quả tra cứu, xác minh.

- Bước 9: Lập Phiếu lý lịch tư pháp điện tử.

- Bước 10: Trả kết quả cho người dân.

Công dân có thể thực hiện tra cứu tình trạng hồ sơ và kết quả Phiếu lý lịch tư pháp điện tử tại ứng dụng VNeID, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, trường hợp Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp có nội dung không chính xác hoặc trái pháp luật theo quy định tại Điều 50 Luật Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp ra quyết định (bổ sung, đính chính, thu hồi, hủy bỏ) Phiếu lý lịch tư pháp điện tử đã cấp và cấp lại Phiếu lý lịch tư pháp điện tử cho công dân (nếu có) và chuyển quyết định, Phiếu lý lịch tư pháp điện tử đã được cấp lại cho Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố để đồng bộ kết quả với ứng dụng VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia. Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp có nội dung không chính xác hoặc trái pháp luật phải thể hiện trạng thái đã được bổ sung, đính chính, thu hồi hoặc hủy bỏ.

Việc thực hiện thí điểm được thực hiện từ ngày 1-10-2024 đến ngày 30-6-2025.

SỞ TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG