Thực hiện quy hoạch nghĩa trang: Góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
(BDO) Nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn xã hội hóa, tạo sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong việc triển khai đầu tư xây dựng các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể các địa điểm nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Bình Dương tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050.
Thực hiện tốt quy hoạch nghĩa trang sẽ góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên cùng mẹ Việt Nam anh hùng dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: TRẦN TÌNH
Thực trạng các nghĩa trang
Hiện nay, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có tổng cộng 90,9ha đất nghĩa trang, nghĩa địa với tổng số 137.595 ngôi mộ. Trong đó, Nghĩa trang Truông Bồng Bông quy mô 15,2ha còn hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 63,3%, diện tích trung bình 5,8m2/mộ, còn khả năng chôn tiếp 7.260 mộ. Tất cả các nghĩa trang nhỏ lẻ, không tập trung, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng cảnh quan đô thị không phù hợp để tiếp tục sử dụng đã được đóng cửa.
TP.Thuận An có 100,2ha đất nghĩa trang, nghĩa địa, tổng số 130 nghĩa trang các loại. Hầu hết các nghĩa trang đã đóng cửa, chỉ còn 2 nghĩa trang đang hoạt động với tổng diện tích 36,4ha. Nghĩa trang Lái Thiêu A, B (Bình Hòa) được đầu tư tương đối đầy đủ kỹ thuật phục vụ mai táng. Tuy nhiên, do khoảng cách an toàn môi trường tới khu dân dụng của hai nghĩa trang này không bảo đảm, đồng thời còn một số mộ chưa chôn cất nên được lấp đầy, đến hết năm 2020 đóng cửa. Sau năm 2020 việc chôn cất phải sử dụng nghĩa trang theo quy hoạch của tỉnh.
Đối với địa bàn TP.Dĩ An, hiện có tổng cộng 128,3ha đất nghĩa trang, nghĩa địa, tổng số 176 nghĩa trang các loại. Hiện còn 3 nghĩa trang đang hoạt động, gồm: Nghĩa trang Tân Bình còn hoạt động với tổng quy mô 3,98ha; nghĩa trang Triều Châu có quy mô 31,86ha, tổng số mộ còn có thể sử dụng là 4.562; nghĩa trang nhân dân Tân Bình quy mô 3,98ha, số mộ còn có thể sử dụng là 670. TX.Bến Cát có tổng cộng 247,1ha đất nghĩa trang, nghĩa địa, tổng diện tích nghĩa trang đang hoạt động là 223,26ha, diện tích trung bình là 6,7 - 11,4m2/mộ. Số mộ đã chôn là 48.732 mộ, số mộ còn khả năng chôn cất là 239.226 cho đến khi lấp đầy, trong đó có hoa viên nghĩa trang cấp I quy mô 190,2ha đang được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, có nhà tang lễ, đài hỏa táng và các công trình dịch vụ phục vụ mai táng.
Về thực trạng nhà tang lễ trên địa bàn tỉnh, đến nay TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên có 5 nhà tang lễ chính thức. Ngoài ra các thị xã và thành phố sử dụng nhà tang lễ của bệnh viện hoặc người dân tổ chức tại hộ gia đình. Cụ thể, TP.Thủ Dầu Một hiện có nhà tang lễ cấp đô thị với quy mô 1,364ha, ngoài ra còn có các nhà tang lễ nhỏ tại các bệnh viện và nghĩa trang nhân dân. TP.Dĩ An do Công ty Cổ phần xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương quản lý (1 nhà tang lễ) gồm đài hỏa táng, nhà tang lễ Phước Lạc Viên tại phường Tân Đông Hiệp. TX.Bến Cát có nhà tang lễ do Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng Chánh Phú Hòa quản lý tọa lạc tại phường Chánh Phú Hòa, bảo đảm các tiêu chuẩn hiện hành phục vụ mai táng cho người dân trên địa bàn và khu vực lân cận. TP.Thuận An hiện sử dụng nhà tang lễ trong bệnh viện và thực hiện dự án nhà tang lễ trong nghĩa trang nhân dân hiện hữu. TX.Tân Uyên hiện sử dụng nhà tang lễ trong bệnh viện.
Đáp ứng yêu cầu xây dựng nghĩa trang
Để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh, năm 2018 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3618/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể các địa điểm nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Bình Dương tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Ông Huỳnh Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể các địa điểm nghĩa trang trên địa bàn tỉnh với quan điểm quy hoạch xây dựng hệ thống nghĩa trang đô thị và cơ sở hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; quy hoạch chung xây dựng quy hoạch nông thôn mới; quy hoạch của các huyện, thị, thành phố và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan. Đồng thời quy hoạch phải phù hợp với tín ngưỡng phong tục tập quán truyền thống văn hóa và hướng tới nếp sống văn minh, hiện đại, bảo đảm các yếu tố bảo vệ môi trường theo quy định. Quy hoạch nghĩa trang và cơ sở hỏa táng phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau và sử dụng hình thức an táng mới, văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Để triển khai các nội dung cụ thể cần thực hiện của Đồ án đã được duyệt, ngày 2-12- 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 6148/ KH-UBND về kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể các địa điểm nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Bình Dương tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn đầu tư xã hội hóa, phát huy sức mạnh của các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong việc triển khai đầu tư xây dựng các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quyết định nói trên còn góp phần giải quyết nhu cầu an táng của nhân dân tỉnh đến năm 2 050.
Ông Huỳnh Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thêm: “Vừa qua, để có cơ sở triển khai thực hiện Kế hoạch số 6148/ KH-UBND, đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng nghĩa trang, giải quyết nhu cầu an táng của nhân dân trên địa bàn theo lộ trình từ nay đến năm 2030, sau khi rà soát, Sở Xây dựng đã đăng ký danh mục và nhu cầu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025”.
PHƯƠNG LÊ