Thực hiện quy chế phối hợp giữa các huyện, thị giáp ranh để chống “cát tặc”
Liên quan đến nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, đoạn đi qua xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng mà Báo Bình Dương đã phản ánh (số ra ngày 31-7 và 1-8), tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các ngành liên quan quyết liệt ngăn chặn vấn nạn này.
(BDO)
Huyện Dầu Tiếng sẽ thực hiện quy chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh để phối hợp xử lý nạn khai thác cát trái phép.
Theo đó, lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng đã nhắc nhở, nếu địa phương nào trên địa bàn huyện để xảy ra tình trạng “cát tặc” thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện; đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các huyện, thị giáp ranh để phối hợp kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tập kết, khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn tại các điểm giáp ranh gồm: Huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh); huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh); TX. Bến Cát và TP. Thủ Dầu Một.
Theo đánh giá của ngành chức năng ở huyện Dầu Tiếng, hiện nay tình trạng “cát tặc” trên đoạn sông Sài Gòn tại nhiều điểm giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và rất tinh vi đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, kinh tế - xã hội ở địa phương; làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất của người dân ở dọc sông, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các công trình đê bao sông Sài Gòn.
Theo ông Lý Thanh Hùng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Dầu Tiếng, từ cuối năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh có mời các địa phương giáp ranh để họp, nhằm thảo luận, thống nhất một số vấn đề trong bản dự thảo quy chế phối hợp. Tuy nhiên, bản quy chế phối hợp này hiện chưa đi vào thực tế.
THANH QUANG