Thực hiện Nghị định 87/CP của Chính phủ: Còn nhiều khó khăn

Thứ ba, ngày 03/01/2012

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) trong công ty cổ phần, công ty TNHH theo Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28-5-2007 của Chính phủ ở Bình Dương đạt một số kết quả nhất định, tạo được không khí dân chủ trong hoạt động của một số đơn vị, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn...   Nhiều ý kiến sát thực nhằm phát huy hơn nữa việc thực hiện QCDCCS ở các doanh nghiệp trên địa bàn

Thực hiện Nghị định 87 trong công ty cổ phần, công ty TNHH không những tạo được không khí dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp (DN) mà còn góp phần giảm thiểu đình lãn công, tạo mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Qua thực tế, ông Lê Văn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Dĩ An cho rằng, DN nào tổ chức hội nghị người lao động tốt thì ít khi xảy ra đình công và ngược lại DN nào không tổ chức hoặc tổ chức hội nghị người lao động không tốt thì rất dễ xảy ra đình lãn công, tranh chấp lao động tập thể... Ông Hoàng, cho biết việc triển khai Nghị định 87 ở Dĩ An được thực hiện khá quyết liệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây do khủng hoảng kinh tế, các DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc tổ chức hội nghị người lao động nói riêng và thực hiện Nghị định 87 nói chung chưa được DN quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bến Cát nhìn nhận việc thực hiện Nghị định 87 trong các công ty cổ phần, công ty TNHH, nhất là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài hiện gặp quá nhiều khó khăn. Ông Lắm cho biết, trong năm 2009, các DN 100% vốn đầu tư nước ngoài không có đơn vị nào tổ chức hội nghị người lao động. Đến năm 2010, có 1 DN tổ chức và năm 2011 có 19 DN tổ chức hội nghị người lao động. Đây là một sự nỗ lực lớn của các ngành liên quan ở huyện Bến Cát trong việc thực hiện QCDC theo Nghị định 87. “Đây là một việc làm rất khó nhưng không thể không làm được. Vấn đề là chúng ta phải kiên trì và có những sáng tạo trong quá trình triển khai Nghị định 87...”, ông Lắm chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Lắm, cần có chế tài trong việc thực hiện Nghị định 87 và có tổng kết, đánh giá, khen thưởng những DN thực hiện tốt QCDC. Bà Châu Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh kiến nghị tiếp tục tập huấn Nghị định 87, mời đúng thành phần thậm chí mời cụ thể, đích danh lãnh đạo các DN đến dự các buổi tập huấn. Bà Thu đồng tình việc xây dựng chế tài nhằm kịp thời động viên, biểu dương những DN làm tốt QCDC. “Đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức tập huấn Nghị định 87 cho các DN bởi phần này chỉ do công đoàn thực hiện sẽ rất khó khăn...”, bà Thu kiến nghị.

Theo Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC cơ sở, hiện còn có những bất cập trong một số quy định nên khó thực hiện, hiệu quả thấp. Cụ thể nội dung Nghị định 87 của Chính phủ về thực hiện QCDC cơ sở trong loại hình công ty cổ phần, TNHH chưa quy định rõ chế tài xử lý đối với các DN không thực hiện nên trong thực tế việc chỉ đạo rất khó khăn. Ngoài ra, do các DN 100% vốn nước ngoài đều có chủ DN là người nước ngoài, không thạo tiếng Việt, các thông dịch viên còn hạn chế về trình độ nên không thể truyền tải hết và đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 87 cho các chủ DN hiểu. Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC cơ sở kiến nghị Trung ương cho dịch Nghị định 87 sang tiếng Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc... để các DN nghiên cứu và thực hiện.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực triển khai Nghị định 87/CP. Trong năm 2011 có 141 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, trong đó có 51 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 24 đơn vị so với năm 2010.

(Nguồn: Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC cơ sở)

TRÍ DŨNG