Thực hiện nếp sống văn minh đô thị: Không rải vàng mã khi đưa tang

Thứ ba, ngày 30/11/2010

Từ trước đến nay, trong các nghi lễ của đám tang, việc đốt và rải vàng mã không thể thiếu, người dân coi đó là việc làm nhằm an ủi vong linh và chuẩn bị cho đời sống dưới cõi âm của người chết. Tục lệ này không phải là xấu nhưng không phù hợp với đô thị hiện đại, văn minh, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Do đó, chính quyền các cấp và ngành chức năng cần tuyên truyền để người dân từ bỏ. Và quy định này nên sớm trở thành luật hóa trong cả nước.

  Hiện một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... đã không còn tục rải vàng mã trên phố, kể cả ở vùng nông thôn Trung Quốc. Ở các nước này, người dân vẫn còn đốt vàng mã nhưng chỉ đốt, rải vàng mã trước quan tài hay khi hạ huyệt chứ tuyệt nhiên không có chuyện rải vàng mã dọc đường. Các nước coi việc này là xả rác nơi công cộng, bị phạt rất nặng bằng tiền, lao động công ích, thậm chí phạt đòn roi.

Chúng ta thử hình dung, vào sáng sớm, đường phố được quét dọn sạch đẹp, tự nhiên có một đám tang đi qua vứt giấy vàng mã bay tung tóe khắp đường phố. Thử hỏi bạn có tiếc cho công sức của những người lao công quét dọn đường phố hay không? Bạn thử đặt câu hỏi rằng nếu giấy vàng mã đó bay vào mặt mình hoặc khu vực nhà mình thì bạn suy nghĩ thế nào? Tất nhiên không hài lòng vì một hành động thiếu văn minh nơi công cộng. Thực tế, việc rải vàng mã trên đường khi đưa tang làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn của người điều khiển xe máy khi đang tham gia giao thông (đã từng có tai nạn do người lái xe bị giấy vàng mã bay đập vào mặt). Đặc biệt gây lãng phí rất lớn. Mỗi đám tang có thể tốn từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng chi phí cho việc mua sắm vàng mã. Với số tiền này nếu dành để giúp đỡ người nghèo, trẻ mồi côi thì còn có ý nghĩa hơn.

  Về kinh nghiệm tuyên truyền, vận động ra sao để người dân tự giác từ bỏ tục rải vàng mã khi đưa tang thì theo cách làm của nhiều quận, huyện, xã, phường ở TP.HCM trong gần 2 năm qua đã tổ chức nhiều buổi hội thảo với chủ đề “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không rải vàng mã khi đưa tang” có các thành phần chức sắc tôn giáo, dân tộc, người Hoa tham dự. Đa số các đại biểu dự buổi hội thảo đều đồng tình. Theo kinh nghiệm của UBND phường 14, quận Phú Nhuận, TP.HCM, mỗi khi trong phường có tang thì phường đã thiết kế thư ngỏ với nội dung chia buồn đến gia đình, đồng thời kết hợp vận động gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tang lễ, trong đó có nội dung không rải vàng mã, hoặc gia đình tang lễ có thể đốt một ít vàng mã tại nhà trước lúc làm thủ tục di quan, còn lại được gia đình mang đến nghĩa trang rải xung quanh mộ khi hạ huyệt hoặc rải cùng quan tài khi đưa vào lò thiêu, không rải vàng mã trên đường phố.

Thực vậy, thời nay việc rải giấy tiền âm phủ, vàng mã trên đường phố không còn phù hợp với nếp sống văn minh đô thị. Vừa qua, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang thực hiện kêu gọi người dân không đốt và rải vàng mã khi đưa tang, trong đó TP.HCM sẽ áp dụng từ đầu năm 2011. Đây là giờ G đã được các quận, huyện trong thành phố nhất trí thực hiện.

  Để thực hiện nếp sống văn minh đô thị, tiết kiệm, thân thiện với môi trường, chúng tôi thiết nghĩ, trong thời gian tới các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh Bình Dương cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong lễ tang, trong đó có việc không rải vàng mã khi đưa tang trên đường phố. Đó cũng là nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật (áp dụng Nghị định 75/2010/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-9-2010 quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đốt, rải vàng mã hoặc Nghị định 34/2010 về việc xử phạt xả rác nơi công cộng).

Chúng ta đã thực hiện thành công việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường phố, hoặc cấm đốt pháo trong dịp lễ, tết đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, được đông đảo người dân đồng thuận, hưởng ứng. Ngày nay, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, việc cấm rải vàng mã khi đưa tang là hoàn toàn phù hợp, rất mong được các ngành chức năng, cộng đồng dân cư cùng tổ chức thực hiện.

 X.Q