Thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”: Ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức được nâng lên
(BDO) Hiệu quả rõ nét nhất trong thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” là đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức (CBCC) phụ trách bộ phận “một cửa” trong phục vụ hành chính cho người dân, tổ chức. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình này rất hiệu quả, tạo sự thay đổi lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Người dân đến làm hồ sơ tại bộ phận “một cửa” UBND phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An luôn được hướng dẫn tận tình. Ảnh: H.V
Hành động vì dân
“Có lần đến UBND phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, làm TTHC, tôi khá bất ngờ và rất vui bởi cách tiếp xúc thân thiện, cởi mở của cán bộ phụ trách bộ phận “một cửa” trong quá trình hướng dẫn làm TTHC “3 trong 1”, gồm: Giấy khai sinh, nhập hộ khẩu, bảo hiểm y tế (BHYT) cho con tôi là cháu Nguyễn Huy Anh”, anh Nguyễn Huy Sơn, một người dân ở khu phố Mỹ Hiệp, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên cho biết. Anh Sơn đánh giá rất cao về chất lượng giải quyết TTHC của cán bộ nơi đây và bày tỏ sự ấn tượng khi chính quyền để người dân làm “giám khảo”, trực tiếp “chấm điểm” đối với sự phục vụ của cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Kết quả hài lòng hoặc không hài lòng của người dân chính là thước đo giá trị cao nhất cho CBCC trong việc vì dân hành động.
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, cho biết từ khi UBND phường áp dụng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, kết quả mang lại nhìn thấy rõ. Bộ phận “một cửa” của phường đã xây dựng các quy định về văn minh, văn hóa công sở. CBCC có thái độ làm việc tôn trọng, phong cách làm việc dân chủ, gần gũi, nhẹ nhàng, lịch sự khi tiếp xúc, giao tiếp với người dân. UBND phường cũng mở các hòm thư góp ý, tổ chức tiếp dân vào ngày thứ hai hàng tuần để lắng nghe, chia sẻ và giúp người dân giải quyết các vấn đề bức xúc trong cuộc sống, nhất là các phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC. Từ thực tế này, người dân ngày càng tin tưởng vào chính quyền, cùng chung tay, góp sức xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
Tại các phường Phú Cường, Chánh Nghĩa, Hòa Phú, Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), việc triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” đã tạo ra sự thay đổi lớn về ý thức trách nhiệm của CBCC. Bà Văn Nguyệt Ánh, Chủ tịch UBND phường Phú Cường, cho hay để thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, UBND phường luôn tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên làm thủ tục. Hàng ngày, văn phòng kiểm tra hộp thư để báo cáo lãnh đạo phường và có những cuộc đối thoại trực tiếp với người dân để lấy ý kiến. Nếu có thông tin phản ánh, lãnh đạo phường sẽ mời người phản ánh đến để gặp gỡ làm rõ, sau khi có kết quả xử lý công khai. Từ sự chủ động đối thoại với dân đã điều chỉnh, xây dựng tác phong của CBCC theo hướng phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Từ đó, người dân cũng tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền, chung tay góp sức xây dựng chính quyền thân thiện.
Nâng cao ý thức của CBCC
Từ khi áp dụng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, ý thức trách nhiệm của cán bộ “một cửa” tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã nâng lên rõ rệt. Cụ thể tại phường Vĩnh Phú, An Phú, Thuận Giao (TX.Thuận An), qua triển khai mô hình này hơn 1 năm qua đã tạo sự rõ nét trong việc thay đổi lề lối làm việc, thái độ của CBBC. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hội, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, TX.Thuận An, cho biết: “Thời gian qua, UBND phường đã triển khai mô hình “Chứng thực chữ ký tại nhà đối với trường hợp người dân thuộc diện già yếu, khuyết tật”. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”. Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, UBND phường luôn tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất nhằm chấn chỉnh về kỷ luật và kỷ cương trong bộ máy hành chính để kịp thời khen thưởng”.
Theo ghi nhận, điểm nổi bật của mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” là CBCC các xã, phường, thị trấn luôn thực hiện tốt quy định về văn minh, văn hóa công sở, có thái độ làm việc tôn trọng, phong cách làm việc dân chủ, gần gũi, lịch sự khi tiếp xúc với dân. Chuyển biến rõ nét nhất từ mô hình này là nhận thức của đội ngũ CBCC đã thay đổi đáng kể, vừa phục vụ người dân vừa hoàn thiện chính mình. Trong công tác triển khai mô hình, UBND cấp xã đã có nhiều thuận lợi, nhất là về công tác tuyên truyền để người dân hiểu, cùng chung tay góp sức với chính quyền xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở năng động, linh hoạt nhằm giải quyết các nhu cầu giải quyết TTHC của người dân.
Ông Lê Hồng Quân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết qua thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, nhiều địa phương đã thể hiện quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cùng đội ngũ CBCC của tỉnh trong việc xây dựng mô hình; xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; xây dựng đội ngũ CBCC chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện, gần gũi và hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua thời gian triển khai xây dựng mô hình đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Bài học về chữ “Lễ” - đây là bài học “5 biết”, đặc biệt là “biết xin lỗi”; bài học về gìn giữ chữ “Tín” trong công việc; bài học về việc phục vụ bất vụ lợi cho người dân và doanh nghiệp; bài học về 3 thể hiện “Tôn trọng, văn minh, gần gũi”; bài học về đối thoại và sự đồng cảm với cái khó của người dân...
Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những kiến nghị của người dân liên quan cụ thể đến các thủ tục, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; ĐT: (0274) 3.835.029 - số Fax: (0274) 3.822.174; địa chỉ email: kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn
HỒ VĂN