Thực hiện kết luận của thanh tra chính phủ: Ông Huỳnh Uy Dũng vẫn bất hợp tác
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận nội dung tố cáo số 1549/KL-TTCP ngày 4-7-2014 của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã và đang tập trung xử lý 3 nội dung trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương trong những lần thực thi nhiệm vụ, đều không nhận được sự hợp tác từ phía Công ty Cổ phần Đại Nam do ông Huỳnh Uy Dũng làm Tổng Giám đốc.
(BDO)
Một góc khu ở (61,5 ha) đã bị Công ty Cổ phần Đại Nam phân lô, bán nền. Ảnh: P.V
700 “nạn nhân”
Như chúng tôi đã thông tin, theo báo cáo số 96/BC-CAT-PC15 (Đ2), ngày 9-9-2009, vào khoảng tháng 11-2008, Công ty Cổ phần Đại Nam bắt đầu tự ý phân các lô đất tại khu vực đường tạo lực số 1 trong KCN Sóng Thần 3 (hiện nằm trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một) để bán cho nhân viên trong công ty. Hình thức bán là công ty lập các hợp đồng “Thỏa thuận góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án KCN Sóng Thần 3” trên khu vực đất của dự án KCN Sóng Thần 3. Các hợp đồng này do ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc ký. Theo tài liệu do Công an tỉnh Bình Dương cung cấp, với hình thức trên, Công ty Cổ phần Đại Nam tiếp tục phân lô đất trong KCN Sóng Thần 3 để bán hết đất tại vị trí đường tạo lực và đường N5 trong KCN này.
Cũng theo báo cáo trên, “việc Công ty Cổ phần Đại Nam phân lô, bán nền bằng hình thức thỏa thuận góp vốn đầu tư trong lúc chưa có chủ trương, chưa có điều chỉnh quy hoạch, chưa có quy hoạch chi tiết… của các ngành, cấp có thẩm quyền nhằm thu lợi số tiền rất lớn (ước tính khoảng 300 tỷ đồng), không xuất phát từ nhu cầu bức xúc chỗ ở mà là lợi dụng vào việc quản lý thiếu chặt chẽ để thực hiện trái pháp luật, thu lợi bất chính là trái với quy định tại điểm b, khoản 2, điều 7 - Luật Kinh doanh bất động sản 2006…”. Còn trong kết luận nội dung tố cáo số 1549/KL-TTCP ngày 4-7-2014 của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, việc thỏa thuận góp vốn đầu tư, thực tế là phân lô, bán nền và chuyển nhượng đất nền khi chưa đủ điều kiện và không đúng quy định. Cụ thể là: “Dự án khu ở Sóng Thần 3 do Công ty Cổ phần Đại Nam tự đặt tên nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, chưa đầu tư hạ tầng theo tiến độ dự án. Nội dung thỏa thuận “góp vốn” không đúng so với quy định tại điều 4, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH 11 ngày 29-11-2005, thực chất là chuyển nhượng đất. Như vậy, Công ty Cổ phần Đại Nam đã sử dụng đất không đúng mục đích như cam kết xây dựng khu chung cư cao tầng; tự ý phân lô, bán nền là vi phạm quy định tại khoản 1, điều 110 tham chiếu đến khoản 2, điều 107 và điều 11, Luật Đất đai năm 2003…”.
Trên thực tế, khu đất được Công ty Cổ phần Đại Nam phân lô bán nền nằm trong diện tích khu ở (61,5 ha - làm tròn) thuộc quy hoạch khu hành chính, dịch vụ, kho bãi, khu ở (71,388 ha), là công trình nằm trong KCN tập trung được chủ đầu tư cam kết xây dựng chung cư cao trên 3 tầng, phục vụ cho công nhân, chuyên gia và những người làm việc trong KCN. Mặc dù đã cam kết như vậy nhưng công ty này đã phân ra 2.630 lô với diện tích 32,3 ha, thu tiền “góp vốn” của 700 cá nhân là 414,364 tỷ đồng. Cho đến khi UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 3184/UBND-KTTH ngày 21-10-2009 do ông Lê Thanh Cung, khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ký với nội dung “…không cho phép chuyển nhượng khu đất ở trong KCN dưới bất cứ hình thức nào”; đồng thời đến thời hạn của hợp đồng, những người góp vốn bắt đầu rút vốn. Kết luận nội dung tố cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Đại Nam, tính đến ngày 30-11-2013, công ty đã thoái vốn đầu tư cho 423 trường hợp với số tiền 183,606 tỷ đồng (chưa tính lãi, khoảng 65,674 tỷ đồng). Như vậy, tính đến thời điểm trên, vẫn còn gần 300 “nạn nhân” chưa được thoái vốn. Những “nạn nhân” đã lỡ “góp vốn” mà chưa được thoái vốn, chắc chắn đang ở trong tình trạng lo lắng, bất an vì các lô đất này nằm trong diện tích đất phục vụ công nghiệp.
Trong các buổi gặp gỡ thông tin báo chí vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận nội dung tố cáo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy Bình Dương đã giao cho Công an tỉnh điều tra, làm rõ, xử lý những sai phạm trong việc phân lô, bán nền của Công ty Cổ phần Đại Nam một cách nghiêm minh. Hiện Công an tỉnh Bình Dương đang thực hiện công tác điều tra vụ việc này.
Vì sao né tránh?
Theo ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, khi Công an tỉnh khởi động lại điều tra, củng cố hồ sơ về những sai phạm trong việc phân lô, bán nền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận nội dung tố cáo của Thanh tra Chính phủ, đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh Bình Dương cung cấp những thông tin về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch trong quá trình phân lô, bán nền tại KCN Sóng Thần 3. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Cục Thuế đã tiến hành các thủ tục để thanh tra thuế tại Công ty Cổ phần Đại Nam. “Việc thanh tra là hoàn toàn bình thường, đúng pháp luật”, ông Trang nói.
Tuy nhiên, khi Cục Thuế tỉnh công bố thanh tra, Công ty Cổ phần Đại Nam đã có văn bản xin hoãn, đồng thời sau đó có văn bản kiến nghị lên Tổng cục Thuế. Sau khi UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Cục Thuế tỉnh tiến hành thanh tra, đặc biệt là ngày 5-12, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế Bình Dương tiếp tục tiến hành “rà soát tình hình thanh tra, kiểm tra đối với Công ty Cổ phần Đại Nam từ năm 2009 tới nay, phân tích rủi ro, thực hiện thanh tra thuế các năm cơ quan thuế chưa thanh tra…” và yêu cầu báo kết quả cho Tổng cục Thuế trong tháng 1-2015, Cục Thuế tỉnh đã tiếp tục tiến hành thanh tra nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác từ phía Công ty Cổ phần Đại Nam vì “Tổng Giám đốc đi vắng”, xin hoãn đến tháng 6-2015. Chưa dừng lại, theo thông tin trên báo chí, Công ty Cổ phần Đại Nam cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị hoãn thanh tra tới năm 2015 với lý do ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty vẫn đang ở nước ngoài chữa bệnh đến tháng 6-2015 mới về.
Lý do này của Công ty Cổ phần Đại Nam, trên thực tế có thể chỉ nhằm né tránh việc chấp hành quy định thanh tra của cơ quan Nhà nước. Để làm rõ điều này, chúng tôi đã có trao đổi với Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương. Đại diện phòng này cho biết: Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, điều 95 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần quy định: “Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú ở Việt Nam; trường hợp vắng mặt trên 30 ngày ở Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty”.
Mặt khác, theo Nghị định 155/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tại khoản 1, điều 31 nêu rõ: Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không thường trú tại Việt Nam; (b) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vắng mặt tại Việt Nam trên 30 ngày mà không ủy quyền bằng văn bản cho người khác để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Về khắc phục hậu quả, điều 31 cũng bắt buộc đăng ký người đang thường trú tại Việt Nam làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1; buộc phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác hoặc đăng ký người khác cư trú ở Việt Nam làm người đại diện theo pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 điều này.
Như vậy, nếu ông Huỳnh Uy Dũng vì lý do nào đó không có mặt tại Việt Nam trên 30 ngày thì sẽ phải ủy quyền cho người khác bằng văn bản theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty. Do đó, với lý do ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty vẫn đang ở nước ngoài chữa bệnh đến tháng 6-2015 mới về để đề nghị hoãn thanh tra thuế là khó có thể chấp nhận được. Vậy, vì sao Công ty Cổ phần Đại Nam lại đề nghị xin hoãn thanh tra đến tận tháng 6-2015? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo của vụ việc.
NHÓM P.V ĐIỀU TRA