Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cải cách hành chính

Thứ năm, ngày 05/09/2019

(BDO) Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy quan tâm thì nơi đó công tác cải cách hành chính (CCHC) tốt, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nhìn qua những thành tích đạt được của các cơ quan, đơn vị có Chỉ số CCHC tốt năm 2018 được tỉnh công bố, các cơ quan, đơn vị đã thấy rõ vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng nền hành chính phục vụ, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.

 Việc công bố TTHC rõ ràng sẽ tạo điều kiện tốt cho người dân nhanh chóng thực hiện tốt TTHC. Trong ảnh: Người dân phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một xem biểu mẫu cần thiết

 Nhìn rõ hạn chế, nâng cao trách nhiệm

Thời gian qua, công tác CCHC đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cùng chung tay triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính các cấp. Nền hành chính của tỉnh đã có chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và xã hội, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, nhìn rõ hơn, còn nhiều nơi vẫn chưa quan tâm tốt đến công tác CCHC, vẫn còn để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số sở, ban, ngành vẫn còn tình trạng văn bản sai sót về hình thức, thẩm quyền ban hành…

Tại các cuộc họp gần đây, UBND tỉnh đã chỉ ra một số địa phương chưa kịp thời rà soát, cập nhật thủ tục hành chính (TTHC) mới điều chỉnh; chưa mở rộng lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với những thủ tục thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan, đơn vị hoặc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chưa phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, ý thức trách nhiệm, thái độ, tác phong làm việc và hiệu quả công việc còn hạn chế. Các chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn. Việc đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã chưa đồng bộ, tiến độ còn chậm so với yêu cầu đề ra, nhất là tại một số cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn có điểm số CCHC thấp.

Nhiều kinh nghiệm và giải pháp cần triển khai

Qua phân tích, đánh giá của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, qua các năm thực hiện công tác CCHC, cải cách TTHC, tỉnh Bình Dương rút ra một số kinh nghiệm như: Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu đóng vai trò quyết định kết quả của CCHC. Đây là yếu tố quyết định, có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai hiệu quả công tác CCHC. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của tỉnh Bình Dương luôn quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các biện pháp CCHC cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan chuyên môn, bộ phận tham mưu về CCHC của tỉnh và các sở, ngành, địa phương được chú trọng, nâng cao.

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho rằng việc thực hiện các chủ trương, giải pháp CCHC phải nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cần phải thực hiện thường xuyên, đồng bộ. CCHC phải được tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của địa phương. Do vậy, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quy chế phối hợp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan và cả bộ máy Nhà nước. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, nhằm phục vụ tốt nhất nhân dân và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Cùng với đó, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiên quyết và điều hành triển khai tích cực các nhiệm vụ CCHC. Trong đó, cần lựa chọn một số lĩnh vực làm khâu đột phá, làm thí điểm, thường xuyên chỉ đạo việc rút kinh nghiệm để nhân rộng điển hình. Trong lãnh đạo, chỉ đạo CCHC, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, có tổng kết, sơ kết, phê bình, biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Một kinh nghiệm nữa là phải nâng cao nhận thức và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC và những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện, những mô hình, sáng kiến, giải pháp hay trong thực hiện CCHC. Phải tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm công tác CCHC, đặc biệt là cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa; có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của bộ phận một cửa nói riêng và hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác CCHC.

Cùng với đó là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phối hợp, tham gia giám sát, kiểm tra công tác CCHC.

 Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan cụ thể đến TTHC, Phòng Kiểm soát TTHC - Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát TTHC; ĐT: (0274) 3.835.029; địa chỉ email: kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn

 HỒ VĂN