Thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện: Ngành điện mong nhận được sự chia sẻ từ khách hàng
Lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Dương cho biết, sau 15 ngày (từ ngày 16-3) thực hiện giá bán lẻ điện tăng bình quân 113,16 đồng/kWh, tức tăng từ 1.508,85 đồng/ kWh lên 1.622,01 đồng/kWh theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT của Bộ Công thương, khách hàng chưa có ý kiến phản ánh đến ngành điện.
(BDO) Nhân viên Công ty Điện lực Bình Dương đang thi công nâng cấp lưới điện
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trước khi chính thức áp dụng biểu giá điện mới theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT của Bộ Công thương, Công ty Điện lực Bình Dương đã thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương thông báo về biểu giá điện mới, hình thức ghi chỉ số điện đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hộ gia đình; phối hợp với đài truyền thanh địa phương thông tin tuyên truyền gắn với các hình thức sinh hoạt khu phố như phát tờ rơi, dán thông báo tại những nơi công cộng, khu nhà trọ, xí nghiệp sản xuất...
Ông Đỗ Hoàng Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Bình Dương cho biết, đến thời điểm này công ty đã thực hiện đo đếm được 24.965 đồng hồ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ; trong đó có 958 đồng hồ bằng phương pháp đo ghi từ xa nhưng vẫn in biên lai cho khách hàng ký để tránh khiếu nại về sau và 24.007 đồng hồ đo trực tiếp tại hiện trường có sự chứng kiến của đại diện khách hàng. Còn lại 332.240 đồng hồ thuộc diện chiếu sáng, sử dụng gia đình thì thực hiện phương pháp “nội suy”, tức là lấy tổng số kWh điện năng sử dụng trong tháng (tháng 3) chia đều cho số ngày sử dụng sẽ có con số điện năng trung bình sử dụng của mỗi ngày rồi áp dụng từ ngày có hiệu lực điều chỉnh. Tất cả quy trình đều diễn ra công khai, minh bạch và đến giờ phút này chưa có khách hàng nào có ý kiến phản ánh hoặc tỏ ý không đồng tình.
“Phải thích ứng với những thay đổi có thể”
Đó là ý kiến của ông Phạm Văn Xô, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương. Ông Xô cho biết, sau thời gian dài hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã từng bước nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Đây là lợi thế rất lớn cho hàng hóa Việt Nam hội nhập và cạnh tranh với các nước. Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài thì Việt Nam không còn là thị trường “giá rẻ” mà đang chuyển hướng sang một bước cao hơn. Điều này đã đặt các nhà quản trị doanh nghiệp phải tính toán thích ứng với điều kiện thực tế đó là: giá nhân công lao động, điện, xăng dầu cùng các chi phí khác rồi sẽ được điều chỉnh theo hướng hợp lý.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiện Lộc, mỗi kWh điện chỉ tăng 113 đồng nhưng với các ngành sản xuất như thép, xi măng, thủy tinh phải cần khối lượng tiêu thụ điện năng lớn và liên tục là một vấn đề không nhỏ. Do ảnh hưởng kéo dài của đợt suy thoái kinh tế thế giới và thị trường bất động sản trong nước, từ đầu năm đến nay nhà máy của công ty chỉ chạy 1/3 công suất nhưng đã tăng 273 triệu đồng/ tháng tiền điện. Việc tăng giá điện, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chấp nhận vì đây là tình hình chung, nhưng đi vào cụ thể thì còn có vấn đề chưa hợp lý như ngành điện áp giá ở nhiều hạng mức: Giờ cao điểm, giờ thường và khống chế sản lượng tiêu thụ bằng cách căn cứ vào sản lượng tiêu thụ trước đó, trong khi trước đó do giá thép hạ, nhu cầu thị trường giảm, nhà sản xuất phải giảm công suất. Nay thị trường phục hồi, nhu cầu sản xuất tăng mà khống chế sản lượng thì làm sao tăng công suất. “Đặc thù của ngành thép là phải hoạt động liên tục nên chúng tôi không chỉ phải tính toán về chi phí mà còn đặt ra nhiều giải pháp để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Nghĩa nói.
DUY CHÍ