Thực hiện di chúc của Bác: Bình Dương luôn chăm lo đời sống đồng bào dân tộc ít người

Thứ sáu, ngày 03/10/2014

(BDO)  Giờ đây, khi Người đã đi xa, những hình ảnh về “Ông Ké”, “Già Thu”… vẫn còn đọng lại trong tâm khảm của đồng bào các DTIN. Thực hiện Di chúc của Bác, công tác chăm lo đời sống cho đồng bào TDIN cũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện.

Ngoài tạo điều kiện phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTIN tại địa phương cũng luôn được quan tâm Ảnh: C.SƠN

Trong Di chúc, Người viết: Nhân dân ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Tại Bình Dương, công tác dân tộc cũng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm, thực hiện. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 17.000 đồng bào DTIN sinh sống chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng. Hòa cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTIN trên địa bàn ngày càng khởi sắc. Hàng năm, tỉnh luôn có các chính sách hỗ trợ nhiều mặt cho đồng bào DTIN. Các chương trình như cấp đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, y tế, giáo dục đã giúp cho các hộ đồng bào DTIN có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Do được hỗ trợ vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, đồng bào Chăm tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng đã tập trung phát triển cây cao su và nhiều mô hình kinh tế gia đình khác. Chính vì vậy, đời sống của bà con nơi đây ngày càng không ngừng được nâng cao. Đường ĐT749B dẫn vào làng người Chăm được trải nhựa… đã làm cho việc đi lại của đồng bào được dễ dàng, góp phần tạo thuận lợi cho bà con phát triển các hoạt động kinh tế. Trong 97 hộ đồng bào Chăm của xã, hiện nay chỉ còn 3 hộ nghèo. Ông Kho Sanh, một người Chăm ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa chia sẻ: “Trước đây, khi đến với vùng đất Minh Hòa này, đồng bào Chăm gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống bấp bênh do thiếu vốn sản xuất, hạn chế nhiều về khoa học kỹ thuật. Trong nhiều năm qua, nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo nhiều mặt, cuộc sống đồng bào đã đổi thay…”.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, đời sống văn hóa của đồng bào DTIN trong tỉnh cũng được nâng lên. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, văn nghệ được chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Con em đồng bào DTIN cũng nhận được nhiều chính sách hỗ trợ để học tập, nâng cao trình độ. Vào các dịp lễ, tết, các cơ quan, ban, ngành các cấp đều tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà động viên…

Ông Lâm Hồng Quân, người dân tộc Sán Chỉ, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho biết trong thời gian qua, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của đồng bào Sán Chỉ đã được chính quyền các cấp tạo điều kiện để phát triển. Hàng năm, lễ hội cầu mùa không chỉ thu hút sự tham gia của riêng người Sán Chỉ mà còn nhiều cộng đồng dân tộc khác trên địa bàn xã. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao tình đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số với nhau.

Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục… cơ sở hạ tầng ở các vùng đồng bào DTIN trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay. Các mục tiêu phát triển của dân tộc thiểu số Bình Dương gần như đã đạt mục tiêu chung của toàn quốc. Cộng đồng các DTIN trên địa bàn tỉnh cũng chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều hộ đồng bào DTIN đã nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống và đóng góp vào tiến trình phát triển chung của tỉnh nhà. 

CAO SƠN