Thực hiện Đề án 06: Nâng cao chất lượng phục vụ trên môi trường số

Thứ năm, ngày 20/02/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), nhiều thông tin, dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh đã được tích hợp, cập nhật trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tạo ra kết nối, chia sẻ, liên thông và khai thác hiệu quả, phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Nhiều nhiệm vụ “về đích”

Trong năm 2024, Bình Dương đã hoàn thành 13 nhiệm vụ, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên 4 nhiệm vụ và 1 nhiệm vụ theo lộ trình Đề án 06. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong năm 2024, Tổ Đề án 06 tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án bảo đảm tiến độ theo lộ trình Chính phủ đề ra.

Việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu đất đai trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cư trú đã tạo thuận lợi trong công tác quản lý cư trú

Các sở, ngành chức năng liên quan đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và được Tổ Đề án 06 Chính phủ đánh giá cao như thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) về khai sinh, khai tử trên địa bàn tỉnh; việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (Bình Dương là một trong 8 địa phương đầu tiên cả nước chính thức triển khai); triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại tích hợp trên ứng dụng VNeID (Bình Dương đứng thứ 5 toàn quốc về tích hợp dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử lên ứng dụng VNeID). Bình Dương là địa phương đầu tiên cả nước khai thác thành công dữ liệu đất đai trong giải quyết TTHC về đăng ký cư trú; hoàn thành cập nhật 100% dữ liệu người lao động lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về dân cư, đạt gần 80% về thực hiện chi trả chế độ an sinh xã hội bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; Bảo hiểm xã hội phối hợp với Công an tỉnh rà soát, cập nhật và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền tảng CSDLQG về dân cư đạt gần 92%...

Người dân, tổ chức, doanh nghiệp hưởng lợi

Đến nay, Hệ thống giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương cung cấp 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình đủ điều kiện, chú trọng các DVC thiết yếu, phổ biến (hoàn thành triển khai 53/53 DVC thiết yếu) và cung cấp 2.012 TTHC; tăng cường hồ sơ trực tuyến với biểu mẫu điện tử tương tác kết nối các CSDLQG, ngành, địa phương. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên rà soát, đơn giản hóa quy trình; đồng thời thống nhất thời gian xử lý TTHC giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và Cổng DVC Quốc gia. Đến nay, đã cấu hình 6.153 quy trình, bảo đảm 100% TTHC đủ điều kiện đã được cấu hình trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC để cán bộ xử lý hồ sơ.

Công an ở địa bàn cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại kết nối internet để giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường số

Theo UBND tỉnh, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID do Bộ Công an cung cấp để đăng ký, đăng nhập thực hiện DVC trực tuyến và các tiện ích khác trên Cổng DVC Quốc gia, UBND tỉnh đã quán triệt nội dung chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu thực hiện các giải pháp liên kết tài khoản cán bộ, người dân đã thực hiện xác thực bằng tài khoản được cấp bởi Cổng DVC Quốc gia trước đây với tài khoản VNeID bảo đảm việc thực hiện DVC trực tuyến, xử lý hồ sơ được thông suốt.

Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử được cung cấp, ứng dụng hiệu quả đã góp phần vào cải cách TTHC, tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Đơn cử, như: Việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (lũy kế có 4.107/4.891 triệu lượt tra cứu thành công). Trong công tác phối hợp, hỗ trợ liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến và liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, kết quả trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở y tế cấp dữ liệu khám sức khỏe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến (lũy tuyến được 187.479 trường hợp); 30 cơ sở y tế liên thông cấp giấy chứng sinh (lũy tuyến 48.155 trường hợp); 24 cơ sở y tế liên thông cấp giấy chứng tử (lũy tuyến 1.038 trường hợp).

Có thể nói, chuyển đổi số đem lại nhiều giá trị thực tiễn, các thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, dễ dàng theo dõi được tình trạng hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu nhanh chóng, chính xác, nâng cao tính công khai, minh bạch của thông tin. Hiện các lĩnh vực khác, như: Giáo dục, giao thông - vận tải, thuế, chế độ và chính sách an sinh xã hội… cũng được đẩy mạnh số hóa dữ liệu theo Đề án 06, thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường số.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, và sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên trong Tổ Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh trong nhiều nhiệm vụ; nhất là xác định được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, chủ động, tích cực tham mưu, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Tổ Đề án 06 tỉnh đã chủ động tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

HƯNG PHƯỚC