Thúc đẩy xã hội hóa hệ thống thương mại - dịch vụ

Thứ ba, ngày 18/08/2020

(BDO)

Xã hội hóa nhanh hệ thống TM-DV tạo nhiều điều kiện giao thương cho kinhh tế. Trong ảnh: Một góc Siêu thị Co.op Mart Chợ Đình

Phát triển nhanh

Thực hiện Đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Thành ủy, UBND TP.Thủ Dầu Một khuyến khích, vận động doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn. Trên cơ sở các quy hoạch và chương trình phát triển chợ đã được phê duyệt, các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương tạo điều kiện về quỹ đất để xây dựng chợ mới những nơi có nhu cầu giao thương cao bảo đảm quy mô, tính chất đầu tư theo quy hoạch, triển khai hỗ trợ vốn cho đầu tư, nâng cấp, cải tạo các chợ cũ đã xuống cấp… Từ đó, hệ thống chợ trên địa bàn thành phố ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, từng bước thực hiện văn minh thương mại, phục vụ tốt nhu cầu mua bán hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định việc đẩy mạnh phát triển TM-DV góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng TM-DV, giảm tỷ trọng nông nghiệp, TP.Thủ Dầu Một đã phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, tập trung khai thác các điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tạo bước đột phá về lĩnh vực này. Đến nay, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng TM-DV - công nghiệp - nông nghiệp tương ứng 60,89% - 39,07% - 0,04%.

Trong giai đoạn 2016-2020, để đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương, thành phố đã huy động được nhiều nguồn vốn XHH của các doanh nghiệp, lĩnh vực TM-DV phát triển khá đồng đều. Hiện nay, ngoài hàng ngàn cửa hàng, shop kinh doanh các loại hình TM-DV, trên địa bàn thành phố đã hình thành 4 TTTM và 5 siêu thị cùng với hơn 30 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang hoạt động đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố cho biết, để phát triển TM-DV, thành phố đã và đang tập trung phát triển mới, nâng cấp, cải tạo các cơ sở hiện có trên địa bàn, thực hiện các dự án hệ thống bán lẻ quy mô lớn và siêu thị mini, cửa hàng tiện ích nằm trong quy hoạch của tỉnh. Trong đó, 4 TTTM, 5 siêu thị thuộc tỉnh quản lý và khai thác, 15 chợ còn lại thuộc các phường, thành phố quản lý. Hiện 13/15 chợ này có tỷ lệ 100% từ nguồn XHH do doanh nghiệp đầu tư, quản lý và khai thác. 2/15 chợ áp dụng mô hình Ban Quản lý do phường thành lập. Đến nay, các chợ được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, có quy mô vừa, có điểm kinh doanh cố định nên hoạt động tương đối tốt. Mặt khác, thành phố đã kêu gọi được các nguồn lực xã hội đầu tư vào các loại hình dịch vụ như phố đi bộ, chợ đêm, bến du thuyền… Qua đó từng bước góp phần hình thành và phát triển dịch vụ văn hóa ven sông Sài Gòn.

Tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa

Hiện việc XHH xây dựng chợ đã được thành phố tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để đạt 100% như kỳ vọng vẫn còn nhiều tồn tại. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố, việc XHH có những thuận lợi nhất định cho cả nhà quản lý và nhà đầu tư, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Tuy vậy, việc XHH xây dựng chợ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, trước hết là khó tìm nhà đầu tư có khả năng về tài chính và có nghiệp vụ về quản lý chợ để tham gia đấu thầu quản lý khai thác chợ. Phần lớn các chợ lại nằm ở vùng ít lợi thế về vị trí thương mại, quy mô nhỏ, hệ thống cơ sở vật chất ít, lượng hàng buôn bán, giao dịch nhỏ lẻ, chi phí đầu tư nhiều nhưng hiệu quả khai thác không cao nên việc đấu thầu, thu hút nhà đầu tư vào xây dựng, nâng cấp quy mô hoạt động vốn ngoài ngân sách gặp khó khăn.

Ngoài nguyên nhân khách quan vẫn tồn tại một số yếu tố chủ quan như công tác chỉ đạo của một số địa phương còn chưa tích cực. Vẫn còn tình trạng một số chợ xuống cấp, quá tải nhưng doanh nghiệp lại khai thác triệt để, không chỉnh trang nâng cấp, khiến chợ chưa bảo đảm các yếu tố văn minh, hiện đại. Một số vị trí có khả năng khai thác, phát triển chợ, doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng chính quyền địa phương muốn giữ để quản lý. Một khó khăn nữa là phần lớn tiểu thương lâu nay đều nặng tư tưởng được bao cấp kinh doanh ở các chợ do Nhà nước đầu tư, cộng với năng lực kinh tế, kiến thức thương mại, kỹ năng giao tiếp, văn minh thương mại của tiểu thương ở nông thôn còn hạn chế, môi trường giao thương chưa sôi động nên không muốn bỏ tiền đầu tư mua ki-ốt và trả phí cao hơn cho dù chợ mới khang trang và thuận tiện hơn…

Mục tiêu tiếp tục XHH đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại, tiết kiệm ngân sách và giúp cơ quan Nhà nước kiểm soát hàng hóa, nâng cao chất lượng công tác quản lý thị trường tại các chợ, siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ngày càng được tốt hơn là điều tất yếu. “Để tiếp tục kiên trì mục tiêu này, trước mắt chính quyền địa phương có cơ chế công khai, tìm kiếm nhà đầu tư có chuyên môn, năng lực, tiến hành đấu thầu giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành. Trong quá trình đầu tư xây dựng, chú ý giữ đặc trưng văn hóa của chợ truyền thống và hiện đại, nhất là phù hợp tập quán mua bán của người dân, thu hút người dân tham gia mua bán trao đổi hàng hóa, bảo đảm sức sống của chợ trong thời kỳ mới”, lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một cho biết.

 Hiện nay, thành phố đang tiếp tục kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư nguồn lực vào 2 chợ còn lại gồm Bến Thế và Phú Văn nhằm hoàn thiện hệ thống XHH chợ truyền thống trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào việc quản lý khai thác chợ Thủ Dầu Một, đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiên cứu dự án TTTM - dịch vụ đô thị tại đại lộ Bình Dương - Phạm Ngọc Thạch (ngã tư Phước Kiến) và TTTM kết hợp với giao thông (TOD) dọc tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nhằm thúc đẩy phát triển nhanh hơn hệ thống TM-DV.

 THANH HỒNG