Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
(BDO) Mới đây, UBND TP.Thủ Dầu Một và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) - Chi nhánh Bình Dương đã ký kết thỏa thuận triển khai thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố sẽ thanh toán các khoản phí, lệ phí thông qua dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Người dân giao dịch tại VCB Bình Dương
Đa dạng phương thức
Tại Bình Dương, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được các địa phương, sở ngành tích cực thực hiện. TP.Thủ Dầu Một là một trong những địa phương nhanh chóng bắt tay triển khai. Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN), xây dựng phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh, mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực hành chính công là thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đối với việc thu ngân sách thông qua dịch vụ công.
Theo đó, UBND TP.Thủ Dầu Một đã phối hợp với VCB Bình Dương để hiện thực hóa kế hoạch này. Theo ông Võ Chí Thành, tới đây UBND thành phố sẽ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với VCB Bình Dương đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, tuyên truyên sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân, vận động nhân dân khi giao dịch liên quan đến dịch vụ công sẽ ứng dụng phương thức TTKDTM. Người dân sẽ thực hiện thanh toán trên các kênh như cổng dịch vụ công quốc gia, giải pháp thanh toán bằng mã QRCode, thanh toán thẻ tại máy cà thẻ POS và thanh toán trên Website do ngân hàng cung cấp.
Với dịch vụ này, các khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí ngay trên cổng dịch vụ công của UBND thành phố mà không cần phải đến thanh toán trực tiếp tại các quầy như trước đây. “Chúng tôi mong rằng người dân sẽ đồng tình, đáp ứng chủ trương của Chính phủ về việc đẩy mạnh TTKDTM và cũng là một trong những bước đi tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 của TP.Thủ Dầu Một, tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, cung cấp cho người dân các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại và đa dạng, mang lại tiện ích cho người sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và từng bước hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế”, ông Võ Chí Thành nói.
Nhiều thuận lợi
Cho đến nay TTKDTM trong lĩnh vực công đã ghi nhận được những bước tiến đáng kể nhờ vào sự vào cuộc tích cực và bền bỉ của các ngành, địa phương và hệ thống ngân hàng thương mại. Mặt khác, từ đầu năm 2020 đến nay, sự xuất hiện dịch bệnh Covid-19, do hạn chế tiếp xúc nơi đông người bởi phòng dịch bệnh, các hoạt động TTKDTM của người dân, DN trên địa bàn có xu hướng diễn ra nhiều hơn. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, đến thời điểm hiện tại các khoản thu, nộp ngân sách của DN được thực hiện qua các ngân hàng thương mại hoặc qua hệ thống nộp thuế tự động rất khả quan. Trong đó, tại Cục Thuế tỉnh kết quả nộp thuế điện tử đều đạt cả3 chỉtiêu tỷlệDN đăng ký điện tử; tỷ lệ chứng từ nộp điện tử/chứng từ nộp thuế; tỷ lệ số tiền nộp điện tử/số tiền nộp thuế đều đạt trên 95%.
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh Bình Dương đến nay, đã có nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh như ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Công thương (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Quân đội (MB)… chủ động phối hợp với cơ quan thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước để tổ chức thực hiện dịch vụ thu ngân sách. Đó là chưa kể đến phần lớn các dịch vụ công như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, học phí… đã và đang được thanh toán qua ngân hàng. Trong đó các dịch vụ thu đều đạt cấp số nhân theo mục tiêu đề ra đối với các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc VCB Bình Dương, cho biết thời gian qua, đơn vị luôn cố gắng cải tiến và nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Hiện nay, với hệ thống mạng lưới 5 chi nhánh, 15 phòng giao dịch, VCB Bình Dương đã và đang đầu tư các giải pháp công nghệ thanh toán hiện đại, nâng cao chất lượng thanh toán điện tử và các loại thẻ ngân hàng, nâng cao hệ số sử dụng thẻ thanh toán ngân hàng; phối hợp với các cơ quan thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước hỗ trợ DN nộp thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân, DN dễ dàng tiếp cận những dịch vụ TTKDTM nhanh chóng, thuận tiện. Đây cũng là một xu hướng tất yếu không chỉ có lợi cho nền kinh tế mà còn có nhiều lợi ích đối với đơn vị hành chính công, khách hàng và cả ngân hàng.
THANH HỒNG