Thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo
(BDO) Để thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất công nghiệp, bên cạnh môi trường thuận lợi hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), cần có sự nỗ lực bền bỉ từ chính DN.
Sản xuất tại Gre Alpha Electronic (Khu công nghiệp VSIP 2A)
Công nghệ là yếu tố sống còn
Cùng với quá trình xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương được đánh giá là địa phương có nhiều hoạt động vì mục tiêu hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, các trường đại học và DN. Đồng thời tỉnh đã tạo lập môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết để thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất công nghiệp, cần phải tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy các DN khởi nghiệp, DN khoa học công nghệ và các DN đổi mới phát triển. Mục tiêu chính của đề án thành phố thông minh hay vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đều hướng tới xây dựng kinh tế - xã hội phát triển, trở thành thành phố thông minh, đáng sống, đem lại sự thịnh vượng và đời sống tốt đẹp hơn cho người dân, tạo môi trường thuận lợi, hiệu quả hơn cho DN. Bình Dương cũng đã triển khai các quyết định về chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Khuyến khích, hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Cải tiến, chuyển giao công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, sản phẩm so với sản xuất truyền thống.
Ông Mai Hùng Dũng khẳng định việc tạo ra hệ sinh thái đã là một lực đẩy cho phát triển cộng đồng DN vừa và nhỏ. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của đề án là việc mở các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) và phòng thực nghiệm công nghệ (Techlab); thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp nhằm phát triển cộng đồng DN tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có thể tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Trên thực tế, thời gian qua, cộng đồng DN cũng có bước phát triển lớn mạnh, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của hầu hết DN tăng lên. Tuy nhiên, để có bước tiến vững chắc cần có sự nỗ lực và nắm bắt cơ hội của DN. Trong đó, đổi mới công nghệ là yêu cầu bắt buộc, cần cả một quá trình.
Cần đầu tư bài bản
Trong bối cảnh hiện nay, khi cơ hội mở rộng xuất khẩu và sức ép cạnh tranh, lao động diễn ra song song, DN ngành gỗ phải nhanh chóng giải quyết bài toán năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, đến nay vẫn rất ít DN gỗ Bình Dương đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất hàng loạt mà chủ yếu đầu tư theo “vết dầu loang”, có đơn hàng tới đâu đầu tư tới đó.
Theo ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, với xu hướng tiêu dùng đồ gỗ hiện đại, sự phát triển công nghệ chế biến đã đạt đến đỉnh cao, đây chính là thời điểm chín muồi để DN đầu tư cho công nghệ. Với việc ứng dụng các dây chuyền chế biến gỗ hiện đại không chỉ đáp ứng được những đơn hàng lớn mà còn giúp DN giảm được áp lực về lao động. “Một hệ thống máy móc được đầu tư đồng bộ có thể giúp DN giảm được từ 20 - 30% lao động. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, DN có thể kết nối các dữ liệu và dễ dàng giám sát quy trình sản xuất. Nhận thấy rõ khoa học và công nghệ là con đường ngắn nhất để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh, ngày càng nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đổi mới. Quá trình này đòi hỏi ít nhất 3 yếu tố là nguồn vốn, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Để làm được điều này tốt hơn, DN rất cần sự đồng hành của Nhà nước cùng tháo gỡ khó khăn ”, ông Liêm chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn nâng cao năng suất chỉ ứng dụng công nghệ thôi là chưa đủ. Tầm nhìn, chiến lược của người điều hành mới là chìa khóa để DN cải tiến chất lượng lẫn năng suất. Ông LiLi, Giám đốc Nhà máy Gre Alpha Electronic (Khu công nghiệp VSIP 2A), chia sẻ vấn đề lớn nhất của DN hiện nay không phải là công nghệ mà chính là nhân lực. Công nghệ có thể đầu tư để thay đổi một cách nhanh chóng nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ hiểu biết và khả năng vận hành lại khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Khi đưa công nghệ vào nhà máy tại Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài phải sang cùng và phải đào tạo các kỹ thuật của Việt Nam. Nếu gặp những vấn đề lớn thì đội ngũ chuyên gia phải sang hoặc kết nối để “cầm tay chỉ việc”. Đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại mà không có đội ngũ công nhân kỹ thuật vận hành hiệu quả là một hình thức lãng phí.
Theo ông LiLi, trong sản xuất không đơn thuần chỉ là thay đổi công nghệ hay tăng công suất làm việc mà là sự tổng hòa của nhiều yếu tố công nghệ, con người, môi trường làm việc… Ngoài việc đầu tư vào máy móc, thiết bị, DN chú trọng cải thiện từng chi tiết nhỏ nhằm tối ưu hóa năng suất hoạt động bằng cách kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đơn giản hóa công việc cho công nhân. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường làm việc như sắp xếp nhà máy gọn gàng, giảm tối đa tiếng ồn, bụi để nâng cao hiệu quả làm việc.
TIỂU MY