Thúc đẩy tăng trưởng châu Á
(BDO) Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023, trước triển vọng chung của châu Á, những đề xuất, kế hoạch, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng châu Á đã được các diễn giả đi sâu phân tích.
Tận dụng hiệu quả lợi thế từ các chính sách
Trước triển vọng chung của châu Á, những đề xuất về chính sách, kế hoạch, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng châu Á đã được các diễn giả đi sâu vào phân tích tại các phiên toàn thể, phiên cập nhật và phiên đối thoại.
Các đại biểu tham gia phiên cập nhật với chủ đề “Hợp nhất chuỗi cung ứng châu Á”
Theo các diễn giả, các quốc gia châu Á, khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam cần đẩy mạnh các chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, liên kết phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển chuỗi cung ứng xanh… Bên cạnh đó, các quốc gia cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định song phương và đa phương mang lại.
Ông Bradley C.LaLonde, Đối tác quản lý, Vietnam Partners (Việt Nam), đánh giá Việt Nam là quốc gia có vị thế tốt, nhiều tiềm năng và lợi thể để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mang lại. Việt Nam là thị trường nhiều nhà đầu tư trên thế giới lựa chọn để đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ông Marko Kasic, Người sáng lập FundLife International (Philippines) đánh giá Việt Nam là một thị trường mới nổi và có rất nhiều cơ hội tăng trưởng. Có thể khẳng định Việt Nam là một đất nước đang phát triển, một thị trường nhiều triển vọng.
Theo ông Marko Kasic, để thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tác động, mỗi quốc gia cần có những chính sách, chiến lược, giải pháp, nhất là đối với những công ty khởi nghiệp để tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư tài trợ, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm góp phần tạo ra giá trị ổn định và bền vững.
Toàn cảnh phiên cập nhật với chủ đề: “Thúc đẩy thành công phát triển của Đông Nam Á”
Thảo luận về vấn đề chính sách phát triển chuỗi cung ứng, ông Asif Iqbal, Chủ tịch Tổ chức Thương mại Kinh tế Ấn Độ (IETO), đánh giá Bình Dương là tỉnh đã xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển rất tốt; có chính sách, môi trường đầu tư tốt, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Để tạo thuận lợi cho Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển các chuỗi cung ứng, theo ông Asif Iqbal, Chính phủ Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục hơn nữa để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia; tăng tính minh bạch; tập trung xây dựng kỹ năng số cho người lao động để tăng cường kết nối với chuỗi cung ứng.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Tại phiên họp toàn thể “Hỗ trợ thực tế của các doanh nghiệp châu Á”, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi các quy tắc và quy định. Điều này sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển nhanh hơn bằng cách cố vấn, hỗ trợ, tạo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm có sẵn cho các công ty mới thành lập. Đối với Bình Dương, các diễn giả đánh giá cao vai trò của Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh, cùng với đó là trách nhiệm của Tổng Công ty Becamex IDC trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo diễn giả Martyn Anstey, Nhà sáng lập REIMAGINEx (Vương quốc Anh), để hỗ trợ các cụm đổi mới sáng tạo, cần phải xây dựng hệ sinh thái đa dạng và đầu tư hạ tầng đổi mới sáng tạo là các vườn ươm về đổi mới.
Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương
Những năm qua, Bình Dương đã ban hành và triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách, trong đó nổi bật có Đề án 826 "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025". Tỉnh còn hình thành mái nhà chung kết nối khởi nghiệp toàn tỉnh là Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp BIIC, góp phần tạo ra bước ngoặt mới về khởi nghiệp sáng tạo.
Từ định hướng của tỉnh, các doanh nghiệp, viện, trường được khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để xây dựng hàng loạt các cơ sở hạ tầng, dịch vụ thúc đẩy khởi nghiệp, thực nghiệm công nghệ, như Trung tâm ươm tạo và Lab 4.0 tiêu chuẩn quốc tế của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, xưởng thực nghiệm kỹ thuật rộng 16.000m2 của Tổng Công ty Becamex IDC, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình Singapore Block71 hợp tác giữa Đại học Quốc gia Singapore và Tổng Công ty Becamex IDC, Trung tâm sản xuất tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương rộng đến 22.000m2… Gần đây nhất là Khuôn viên mới tiêu chuẩn Đức của Trường Đại học Việt Đức, sẽ là hạt nhân của đô thị đại học - đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Đặc biệt, Tổng Công ty Becamex IDC là nguồn lực doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại Thành phố mới Bình Dương - trung tâm chính trị - xã hội của tỉnh có nền tảng hạ tầng đô thị rất hiện đại. Khu vực này thu hút nhiều trường đại học, trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào những ngành trọng yếu phục vụ cho nền tảng phát triển công nghiệp của tỉnh. Các ngành như công nghệ thông tin, cơ điện tử, điện điện tử, quản trị kinh doanh… là những trụ cột trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà máy hiện đại, cũng như đặt nền móng cho việc phát triển các công cụ sản xuất mới, cải tiến và nâng cấp nền tảng công nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu và phát triển.
Trong điều kiện đó, Thành phố mới Bình Dương đã trở thành một "Living Lab" trong Đề án thành phố thông minh - là nơi để tỉnh thí điểm các ý tưởng, công nghệ mới, tạo ra một nền tảng vững chắc, để từ đó lan tỏa ứng dụng đồng bộ toàn tỉnh và chia sẻ với khu vực.
Những chiến lược sáng tạo của Bình Dương đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng, như danh hiệu "Địa phương tiên phong trong hành trình đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2021" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn; giải thưởng Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam năm 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức. Đặc biệt, Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh Top 1 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu năm 2023.
Phương Lê