Thúc đẩy tái đàn, bảo đảm nguồn cung thịt heo

Thứ bảy, ngày 11/04/2020

(BDO) 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên cả nước đã chính thức giảm giá heo xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Động thái đó góp phần giảm giá thịt heo trên thị trường nhưng không đồng đều giữa các điểm bán, giá thịt heo tại các chợ, siêu thị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết giảm giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg, nhưng giá thịt heo tại chợ và siêu thị vẫn đứng ở mức cao

Giá thịt heo vẫn còn cao

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước có 98,7% số xã có bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã qua 30 ngày không có heo nhiễm bệnh. Trong đó có 39 tỉnh, thành phố đã hết bệnh DTHCP. Như vậy, hiện cả nước chỉ còn 109 xã (chiếm 1,3% tổng số xã có dịch bệnh) tại 24 tỉnh, thành phố có DTHCP chưa qua 30 ngày. Thực tế đó cho thấy tình hình tăng đàn và tái đàn hiện nay đang rất thuận lợi. Tính đến hết quý I-2020, tổng đàn heo cả nước đã tăng 6,3% so với cuối năm 2019.

Theo dự báo của ngành chăn nuôi, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát thì nguồn cung thịt heo cho năm 2020 đạt khoảng hơn 4 triệu tấn. Trong đó, tháng 2-2020, đạt khoảng 330.000 tấn; tháng 3: 350.000 tấn; tháng 4: 360.000 tấn; tháng 5: 360.000 tấn… Tuy nhiên, việc thịt heo hơi bất ngờ tăng giá mạnh trong thời gian gần đây là điều khá bất thường khi mà theo dự báo của ngành chăn nuôi, nguồn cung hiện khá dồi dào trong điều kiện DTHCP cơ bản đã được khống chế. Cụ thể, thống kê của ngành chăn nuôi cho biết tổng đàn heo cả nước là gần 25 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con heo nái.

Trước tình hình giá thịt heo hơi tăng đột biến, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, điển hình như Công ty CP Việt Nam, Công ty Dabaco… để chỉ đạo việc tăng đàn, giảm giá bán thịt heo. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn, đôn đốc việc chỉ đạo tái đàn heo bảo đảm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Đầu tháng 4, Bộ NN&PTNT cũng có công văn yêu cầu các tỉnh, thành tổ chức các biện pháp kiểm soát chặt giá thịt heo; đề nghị các trang trại, hộ chăn nuôi cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá xuống 70.000 đồng/ kg heo hơi hoặc thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tổng số heo thịt xuất chuồng của 15 doanh nghiệp chăn nuôi chỉ chiếm gần 40%, còn lại do các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi của các địa phương cung cấp ra thị trường với giá dao động từ 75.000 - 78.000 đồng/kg heo hơi. Điều này đã làm ảnh hưởng chung đến giá bán heo thịt.

Theo ghi nhận tại các chợ trên địa bàn tỉnh, những ngày gần đây, giá thịt heo vẫn giữ mức ổn định ở mức cao, chưa có chiều hướng giảm. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá từ 150.000 đồng/kg, thịt đùi giá 130.000 đồng/kg, xương có giá 130.000 đồng/kg, sườn non giá 180.000 đồng/kg... Không chỉ tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh giá thịt heo vẫn neo ở mức cao. Khảo sát tại một số siêu thị như Big C, Aeon, Co.opmart Bình Dương... giá thịt heo vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đơn cử, như với thịt ba rọi của Công ty Vissan tại hệ thống Siêu thị Co.opmart Bình Dương có giá bán là 173.000 đồng/kg, thịt đùi heo có giá 135.000 đồng/ kg, thịt nách heo có giá 128.000 đồng/kg, sườn chặt có giá 173.000 đồng/kg…

Lý giải về nguyên nhân giá thịt heo vẫn còn cao, một số tiểu thương ở các chợ trong tỉnh cho biết dù các doanh nghiệp cam kết giảm giá heo hơi nhưng thực tế giá thịt heo móc hàm nhập ở các lò mổ vẫn cao, từ 105.000 - 115.000 đồng/kg, do đó phải bán thịt với giá từ 130.000 - 180.000 đồng/kg thì mới có lãi. Về giá thịt heo trên thị trường còn cao, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho rằng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó áp dụng an toàn sinh học, nguồn cung sau DTHCP chưa kịp phục hồi, tác động từ bệnh dịch Covid-19, cộng với khâu trung gian phức tạp dẫn đến giá thịt heo trên thị trường hiện nay vẫn còn ở mức cao.

Đủ nguồn cung thịt heo an toàn

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, tính từ ngày 20-5 (ngày đầu tiên xuất hiện DTHCP) cho đến thời điểm này, qua ghi nhận thông tin từ các địa phương, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra DTHCP và có hiện tượng heo chết bất thường ở 1.391 hộ/ trại chăn nuôi tại 84 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 86.934 con. Tuy nhiên, tổng số đàn heo trên địa bàn tỉnh vẫn có hơn 700.000 con, tỷ lệ heo chết và buộc phải tiêu hủy so với tổng đàn heo của tỉnh chỉ chiếm 13,12%. Vì vậy, nguồn thịt heo an toàn vẫn bảo đảm cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Từ khi DTHCP trong tỉnh được khống chế, nhiều địa phương không còn tái phát sinh ổ dịch sau nhiều ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn.

Ông Trần Phú Cường cho biết thêm tuy giá heo hơi có biến động, số lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh giảm. Nhưng từ khi tình hình bệnh DTHCP trong tỉnh đã được kiểm soát, ngành chức năng đã có những kế hoạch, vận động tái đàn đối với các trang trại chăn nuôi an toàn sinh học. Theo đó, trong những tháng đầu năm 2020, tổng số lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng nhẹ, vẫn bảo đảm nguồn cung thịt heo an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để phòng chống bệnh DTHCP không bùng phát trở lại, chi cục phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo và các sản phẩm heo trái phép; tiếp tục phun thuốc tiêu khử trùng tại vùng dịch và các vùng lân cận. Đồng thời, ngành tiếp tục tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn và vận động người chăn nuôi cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nếu muốn tái đàn, nhằm bảo đảm hiệu quả chăn nuôi mang lại.

 THOẠI PHƯƠNG