Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ
(BDO) Những năm qua, Bình Dương đã nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ, góp phần quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu ngày càng vươn xa.
Dây chuyền sản xuất phân bón Con Voi của Biwase ETS
Tích cực hỗ trợ
Bình Dương đã và đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, vươn lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 DN khoa học - công nghệ (KHCN) đang hoạt động. Với những kết quả nổi bật trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển bền vững, Công ty TNHH MTV Liên hợp KHCN - Môi trường (Biwase ETS) được công nhận là DN KHCN tháng 10-2024 vừa qua, với đề tài nghiên cứu: “Công nghệ sản xuất phân bón từ rác thải sinh hoạt nhận chuyển giao từ Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương”. Đây là một đơn vị đi đầu trong lĩnh vực xử lý môi trường tại Bình Dương. Biwase ETS là đơn vị chủ quản của Khu liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương có diện tích hơn 100 ha (phường Chánh Phú Hòa, TP.Bến Cát). Khu liên hợp này được thiết kế như một “trung tâm tái sinh tài nguyên” với công nghệ xử lý hiện đại, thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi rác thải được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế, góp phần phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Hiện nay, Biwase ETS đảm nhiệm xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tại Bình Dương với lượng rác trung bình hơn 2.300 tấn/ngày, tạo việc làm ổn định cho 1.400 lao động. Rác thải qua xử lý được sản xuất thành phân compost, bê tông, các sản phẩm từ bê tông, xi măng và thạch cao. Những năm qua, công ty đã không ngừng đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, nổi bật là Dự án “Xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ phân loại và tái chế tự động giúp phân tách rác hữu cơ, rác tái chế và rác khó phân hủy”. Công ty hiện đang vận hành 4 nhà máy sản xuất phân compost, công suất khoảng 200 tấn/ngày, với 16 loại phân bón hữu cơ mang nhãn hiệu Con Voi đã được cấp chứng nhận KHCN. Thông qua ứng dụng KHCN, rác hữu cơ được chuyển thành phân compost phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả.
Ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Biwase ETS, cho biết qua nhiều năm nhận nhiệm vụ xử lý chất thải cho tỉnh, công ty nhận thấy lĩnh vực này có nhiều tiềm năng để phát triển KHCN. Thời gian qua, công ty đã không ngừng triển khai nghiên cứu ứng dụng, phát triển KHCN trong quá trình xử lý chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải để trở thành sản phẩm có ích. Đối với những chất thải cần tiêu hủy, công ty cũng đã nghiên cứu để tìm ra những phương pháp xử lý hiệu quả nhất. Hiện nay, các loại chất thải như chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải y tế… công ty đang triển khai nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm có ích trong quá trình xử lý.
“Năm 2011, Biwase ETS đã sử dụng công nghệ của Phần Lan, trong đó có ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ tự động hóa... để sản xuất thành công sản phẩm phân bón đạt chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sản phẩm được sản xuất phân loại tự động, đáp ứng cho từng giai đoạn của cây trồng cũng như phù hợp với khí hậu, địa chất của từng vùng, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm phân bón đưa ra thị trường tiêu thụ đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Ngô Chí Thắng cho biết.
Nhiều chính sách ưu đãi
Theo quy định hiện hành, khi DN được công nhận là DN KHCN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng và hỗ trợ nghiên cứu phát triển, như: Ưu đãi thuế thu nhập DN, hỗ trợ tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất và hỗ trợ R&D. Cụ thể, DN được miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Mức thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng trong vòng 15 năm. Các DN được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp từ Quỹ Phát triển KHCN hoặc các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực này. DN KHCN được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả chu kỳ dự án. DN KHCN còn được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ và chuyển giao công nghệ từ các chương trình quốc gia.
Đến nay, Bình Dương đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy DN làm trung tâm ứng dụng KHCN và phát triển sản phẩm. Các trường đại học trên địa bàn tỉnh cũng tích cực phát huy vai trò nghiên cứu KHCN và phát triển ứng dụng qua các mối liên kết hữu cơ giữa nhà trường và DN trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ.
Bên cạnh đó, ngành KHCN của tỉnh cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến KHCN, đổi mới sáng tạo, quản lý công nghệ dự án đầu tư và khu công nghệ cao, như: Nghị định số 119/1999/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các DN đầu tư vào hoạt động KHCN; Quyết định số 12/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ; Quyết định số 33/2023/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ… Đây là nền tảng quan trọng để khuyến khích các DN đầu tư vào hoạt động KHCN, nhằm đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ