Thúc đẩy hợp tác về giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam và Ấn Độ

Thứ năm, ngày 25/04/2024

(BDO) Ngày 24-4, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình gặp gỡ Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục với chủ đề “Đổi mới trong giáo dục: đào tạo và hợp tác”.


Các đơn vị của Việt Nam và Ấn Độ ký kết bản ghi nhớ (MOU)

Chương trình có sự tham gia của đại diện các đơn vị, trường đại học, doanh nghiệp của hai nước cùng đại diện sở, ngành một số địa phương. Các đơn vị đã cùng trao đổi để tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong thời gian tới.

Giới thiệu tổng quan về giáo dục đại học của TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, gần 60 cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn đã và đang cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước. Đây cũng là nơi thúc đẩy và chuyển giao công nghệ để đưa những thành tựu của khoa học, kỹ thuật phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; trong đó có nhiều trường được ghi tên trong các bảng xếp hạng có uy tín của khu vực và thế giới. Đội ngũ nhà khoa học ở các trường đại học đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.

“Với thế mạnh đó, chúng tôi mong muốn được lắng nghe, trao đổi và hợp tác với giáo dục đại học Ấn Độ, nhằm tăng cường, phát huy thế mạnh của nhau trong giai đoạn toàn cầu hóa giáo dục hiện nay”, bà Lê Thụy Mỵ Châu bày tỏ.

Ông Manda Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, Ấn Độ và Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác; trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những mục tiêu chung mà cả hai quốc gia đều hướng tới. Với thế mạnh về nhiều lĩnh vực, cũng như trong giáo dục và đào tạo ở nhiều ngành như: công nghệ, kỹ thuật… Ấn Độ mong muốn và sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới.

Tại Chương trình, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp của Ấn Độ và Việt Nam cùng khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác để thiết lập các chương trình liên kết giáo dục-đào tạo trong nhiều ngành, nhất là về tự động hóa, đổi mới sáng tạo giáo dục…

Đề xuất về định hướng hợp tác giữa các đơn vị, bà Nguyễn Thị Thu Sương, Quyền Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, các chương trình phát triển về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… mà Thành phố đang triển khai rất phù hợp với kinh nghiệm đã được Ấn Độ triển khai và phát triển. Vì thế, các đơn vị có thể xem xét thiết lập các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, nhà khoa học, cùng tổ chức các hội thảo, trao đổi kiến thức chuyên sâu và các dự án nghiên cứu chung. Với bề dày kinh nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin, Ấn Độ có thể cung cấp cho Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng, những kinh nghiệm, các khóa đào tạo chất lượng cao, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như: trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, vi mạch...

Theo TTXVN