Thúc đẩy hợp tác Á - Âu về nguồn nước

Thứ năm, ngày 21/03/2013

Sáng 21-3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Hội thảo Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) với chủ đề “Quản lý nước và lưu vực sông - cách tiếp cận tăng trưởng xanh” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Diễn ra trong 2 ngày 21 – 22.3, Hội thảo thu hút khoảng 150 đại biểu trong và ngoài nước đến từ 51 quốc gia thành viên ASEM và đại diện các tổ chức của Liên Hợp quốc, các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan như Ủy hội sông Mekong, Ủy ban quốc tế về bảo vệ sông Danube, Hội đồng Nước thế giới, Chương trình Phát triển LHQ, Ngân hàng Thế giới...

  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo ASEM “Quản lý nước và lưu vực sông - cách tiếp cận tăng trưởng xanh” sáng 21-3. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận vào những chủ đề chính là tài nguyên nước và phát triển bền vững; nước, lương thực và năng lượng - hướng tới sự cân bằng; nước và cuộc sống của người dân; nâng cao hiệu quả hợp tác Á - Âu trong quản lý bền vững nguồn nước, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các nước ASEM trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước vì mục tiêu phát triển bền vững. Hội thảo cũng sẽ thông qua Báo cáo trình các khuyến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 tại Ấn Độ vào tháng 11-2013 và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Bỉ năm 2014.

Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) được hình thành từ năm 1996.

Qua 17 năm phát triển, ASEM đã trở thành cơ chế đối thoại quan trọng, hợp tác lớn nhất giữa hai châu lục, hội tụ 51 thành viên, trong đó có 4 thành viên là Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và 12 thành viên thuộc nhóm G20.

Các thành viên ASEM đại diện cho hơn 60%, khoảng 50% GDP thế gới và hơn 60% thương mại toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các thách thức liên quan đến nguồn nước đã tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại. Song ngày nay các thách thức này đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu hơn bao giờ hết.

Theo dự báo đến năm 2025, thế giới sẽ phải đối mặt với khả năng 1,8 tỷ người sống tại khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường.

Một vấn đề nữa là quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đang làm suy thoái nguồn nước, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý các vấn đề môi trường chưa được coi trọng thỏa đáng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống và khả năng tiếp cận nước sạch của người dân.

 

Hiện nay có khoảng 150 quốc gia đang cùng nhau chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển. Nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu và ứng dụng như phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phương pháp quản lý nước theo lưu vực sông, cách tiếp cận theo hệ thống quản lý nước - năng lượng - lương thực....

Quản lý nước cũng là chủ đề hợp tác ưu tiên của các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Nổi bật là các nỗ lực mang tầm toàn cầu, như các sáng kiến của Liên hợp quốc về “Ngày Nước thế giới”, “Thập kỷ quốc tế về nước sạch và vệ sinh nước”, “Thập kỷ quốc tế hành động bảo vệ nước vì cuộc sống”, đề xuất của Hội đồng nước thế giới về “Tăng trưởng xanh và nước”…

Nhận thức rõ trách nhiệm là một trong những quốc gia cung ứng nông sản lớn trên thế giới và để chung tay ứng phó với các thách thức, Việt Nam đề cao việc bảo vệ và quản lý bền vững nguồn nước. Đây là một nội hàm quan trọng của "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020" và "Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020".

Nhiều cơ hội hợp tác từ bảo vệ tài nguyên nước

Việt Nam chủ trương tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ hợp tác quốc tế, trong đó có Diễn đàn Nước thế giới, Mạng lưới cộng tác nước toàn cầu, Tổ chức lưu vực sông quốc tế, ASEAN, ASEM, APEC… Là một quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam đặc biệt coi trọng việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác về sông Mekong.

“Chỉ có chung tay hành động mạnh mẽ ngay từ ngày hôm nay, chúng ta mới có thể hạn chế và ngăn ngừa được những thách thức như đã dự báo. Thực tiễn cho thấy, việc bảo vệ tài nguyên nước đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội để hợp tác hơn là tạo ra tranh chấp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề lớn như: xác định nội hàm và phương thức quản lý tài nguyên nước trong chiến lược tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thủ tướng nhận định việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững nếu có cách tiếp cận dài hạn, toàn diện và đa ngành, đặt trong chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của từng quốc gia, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Để hợp tác bảo vệ nguồn nước giữa hai châu lục trở nên thiết thực hơn, các nước ASEM cần tích cực, chủ động hơn trong việc hỗ trợ và kết nối các chương trình tiểu vùng, khu vực mà các thành viên đang triển khai. Đồng thời, cần đề ra các định hướng cho hành động và đóng góp của ASEM đối với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn nước, trước mắt là đối với Hội nghị Thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương về nước vào tháng 5 tới tại Chiang Mai và Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về nước vào tháng 10 tại Budapest.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng qua trao đổi, đối thoại trên tinh thần xây dựng và đối tác bình đẳng sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến nguồn nước, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân về kinh tế và phát triển. Đây chính là biện pháp hữu hiệu để hiện thực hóa mục tiêu “kiến tạo mối quan hệ đối tác Á - Âu mới, tăng cường hiểu biết sâu sắc giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”, khẳng định vai trò và vị thế của ASEM trong cục diện đang định hình.

Theo Chinhphu.vn