Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ
(BDO) Từ những nền tảng vững chắc, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN-ĐMST) đang chuyển mình mạnh mẽ, mở ra định hướng mới, thu hút được nguồn lực xã hội, từng bước đóng góp vào công cuộc bứt phá kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Sở KHCN, TDMU ký kết phối hợp hoạt động giáo dục STEM và đổi mới sáng tạo
Tăng cường hợp tác “ba nhà”
Trong suốt quá trình công nghiệp hóa, Bình Dương đặc biệt sớm lồng ghép các mục tiêu thúc đẩy KHCN gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, đưa KHCN dần trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong các chiến lược chung, tạo tiền đề thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.
Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KHCN, cho biết xuất phát từ tầm nhìn Nhà nước kiến tạo, tỉnh quyết liệt ứng dụng mô hình “ba nhà” học tập từ Eindhoven - Hà Lan, thúc đẩy sự hợp tác giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường - viện, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức trên toàn xã hội cùng đầu tư phát triển.
Để phát triển hệ sinh thái ĐMST, dựa trên chủ trương của Trung ương, Bình Dương đã ban hành và triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách, trong đó nổi bật có Đề án 826 “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”. Từ định hướng của tỉnh, các doanh nghiệp, viện, trường được khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để xây dựng hàng loạt các cơ sở hạ tầng, dịch vụ thúc đẩy khởi nghiệp, thực nghiệm công nghệ, như Trung tâm ươm tạo và Lab 4.0 tiêu chuẩn quốc tế của trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình Singapore Block71 hợp tác giữa Đại học Quốc gia Singapore và Tổng Công ty Becamex IDC, Trung tâm sản xuất tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU)…
Phát triển hệ sinh thái
Là một trong những hạt nhân triển khai xây dựng Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, nhiều năm qua TDMU không ngừng mở rộng mạng lưới kết nối với các đơn vị trong và ngoài nước, chú trọng triển khai nhanh chóng, hiệu quả các nội dung hợp tác. Qua đó, TDMU góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của nhà trường, đáp ứng những nhu cầu bức thiết của xã hội, phục vụ chiến lược xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Mới đây, TDMU đã tổ chức lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với Học viện KHCN-ĐMST về việc phối hợp tổ chức khóa bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao năng lực ĐMST, quản lý KHCN, năng lực quản lý, thương mại hóa công nghệ cho cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, thúc đẩy và triển khai các hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ. Trước đó, Học viện KHCN-ĐMST, Bộ KHCN đã tổ chức lễ khai trương Văn phòng ĐMST phía Nam tại TDMU.
TDMU cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Sở KHCN, Sở Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động giáo dục STEM và ĐMST, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, phát triển năng suất, chất lượng…
Phát biểu tại lễ khai trương Văn phòng ĐMST phía Nam, TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng TDMU, cho biết sự kiện công bố không gian hợp tác ĐMST đại diện phía Nam tại TDMU không chỉ là minh chứng cho mối quan hệ gắn bó tin cậy giữa hai bên, thể hiện quyết tâm chung thúc đẩy ĐMST, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.
Tỉnh Bình Dương đã triển khai đề án Vùng ĐMST - trọng tâm của đề án thành phố thông minh để gắn kết các công trình, khu vực khởi nghiệp trên toàn tỉnh. Theo đề án này, phía nam Vùng ĐMST nối với TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh); phía bắc giáp với Chơn Thành (Bình Phước) sẽ tạo thành một trục ĐMST của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó thành phố mới chính là hạt nhân. Vùng được tập trung nguồn lực tạo ra đòn bẩy phát triển mới, như xây dựng các khu công nghiệp thông minh, các cụm trường đại học tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với đô thị đáng sống và phát triển hệ sinh thái ĐMST mở.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Học viện KHCN-ĐMST: Mục tiêu của việc bố trí không gian làm việc tại TDMU để triển khai các hoạt động hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp và triển khai hiệu quả các chương trình nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp dịch vụ KHCN giữa hai bên. Không gian này sẽ phục vụ như một trung tâm kết nối giúp tối ưu hóa việc trao đổi thông tin tài nguyên và nhân lực. Đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia và nhà nghiên cứu, các bên liên quan, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động hợp tác thúc đẩy sự phát triển bền vững và ĐMST trong lĩnh vực KHCN. Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KHCN: Hai trọng tâm lớn của ngành KHCN tỉnh thời kỳ mới là thu hút nguồn lực, kết nối ba nhà. Hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp nâng cao trình độ, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng tầm năng suất, chất lượng. Hình thành được hệ sinh thái ĐMST mở thật sôi động để trong tương lai triển khai các khu KHCN, hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. |
PHƯƠNG LÊ