Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp

Thứ tư, ngày 14/12/2022

(BDO) Trong kinh doanh, đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở là một cách đổi mới đem lại nhiều lợi ích. Có rất nhiều cơ hội được tạo ra từ ĐMST mở, trong đó doanh nghiệp (DN) có thể tận dụng như giảm chi phí, đẩy nhanh thời gian tung sản phẩm ra thị trường, gia tăng sự khác biệt và tạo ra dòng doanh thu mới. Những năm gần đây, ĐMST mở đã nhanh chóng trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh.

 Toàn cảnh hội thảo “Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, lộ trình nâng cấp sản xuất hướng đến công nghiệp 4.0” vừa diễn ra tại Bình Dương

Đa dạng hóa ý tưởng

ĐMST mở trong DN là một trong các hình thức của ĐMST mở, giúp đa dạng hóa nguồn ý tưởng ĐMST cho DN, giải quyết những vấn đề đặt ra, gia tăng lợi thế cạnh tranh, khai phá “đại dương xanh” (sản phẩm, thị trường). Trong đó, các bên tham gia gồm công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học…

Theo TS Trần Lan Hương, giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sự tham gia sâu hơn của các tập đoàn, DN vào các hoạt động ĐMST mở đã trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới. Các tập đoàn, DN là bên đưa ra bài toán, giải pháp có thể đến từ nội bộ các DN và có thể được cung cấp nhanh chóng hơn, đột phá hơn, hứa hẹn hơn từ các chủ thể khác trong hệ sinh thái ĐMST mở.

Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, lộ trình nâng cấp sản xuất hướng đến công nghiệp 4.0” diễn ra vừa qua đã mang đến cho DN những góc nhìn sâu sắc về đổi mới sáng tạo và công nghệ 4.0 ứng dụng trong sản xuất cùng các chuyên gia hàng đầu khu vực. Các chuyên gia gợi mở câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng, như: Vì sao DN cần phải đổi mới? DN đã ĐMST như thế nào? Đâu là các xu hướng quan trọng và những bài học cho các DN mong muốn chuyển đổi công nghệ 4.0 trong lĩnh vực hoạt động sản xuất? Vai trò của trường đại học trong việc hỗ trợ đổi mới với mô hình kết nối giữa đại học và DN của Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Tại hội thảo, ông Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), đã chia sẻ định hướng kết nối chặt chẽ với DN nhằm đồng hành trong hành trình chuyển đổi công nghiệp 4.0. Trung tâm ĐMST công nghiệp 4.0 Việt Nam Singapore tại EIU sẽ là nền tảng quan trọng trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai và thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp liên tục của DN sản xuất với các hoạt động toàn diện để hỗ trợ áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 phù hợp giúp cải thiện năng suất và quy trình quản lý kinh doanh của DN.

Kết nối nguồn lực

Tại hội thảo “The Future is NOW” trong chương trình Techfest 2022 vừa qua, nhằm kết nối những nguồn lực, chuyên gia đưa ra các giải pháp, ý tưởng mới đóng góp cho sự phát triển và bứt phá của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng làng Sáng chế và DN ĐMST, cho biết: “Việt Nam đang thực hiện mô hình “ĐMST mở”, thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong như trước đây thì cần có sự tham gia của nguồn lực bên ngoài. Do đó, việc hình thành nên các làng công nghệ là tất yếu để những người đam mê sáng tạo kết nối, chia sẻ những giá trị, tri thức. Đặc biệt, từ các làng công nghệ, sinh viên khởi nghiệp ĐMST trong hệ sinh thái, các starup mong muốn tỏa sáng, được chứng tỏ, được thể hiện sự đam mê sẽ có nhiều cơ hội”.

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VNTT Bình Dương, chia sẻ những năm qua Becamex IDC liên tục đổi mới để phát triển. Đây là động lực của Becamex IDC xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển. Becamex IDC đã và đang phát triển mô hình vườm ươm DN, các xưởng khởi nghiệp. Theo ông, cần có sự dẫn dắt của các tập đoàn để các startup có thể tham gia chuỗi cung ứng. Ngoài ra, khi thực hiện mô hình “ĐMST mở” cần phải có bảng quy hoạch tổng thể ĐMST của quốc gia để từng địa phương theo đó xây dựng “bài toán” ĐMST phù hợp với địa phương.

 Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ: “Với chủ đề “Công nghiệp 4.0 - Đổi mới sáng tạo” tại chuỗi sự kiện Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia đã góp phần định vị Bình Dương là một trong những tỉnh, thành tiên phong thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp thông qua việc giới thiệu hệ sinh thái liên quan, định hướng vùng ĐMST, khu công nghiệp khoa học công nghệ, các kết nối quốc tế của tỉnh và Becamex IDC. Song song đó, sự kiện đã thúc đẩy các DN tại Bình Dương tiếp cận và tương tác với hệ sinh thái ĐMST năng động của quốc gia và khu vực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nâng cấp hoạt động của DN, kết nối với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực cho hệ sinh thái ĐMST của tỉnh, từ đó thu hút các DN khởi nghiệp công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ, quỹ đầu tư, chuyên gia… trong nước và quốc tế về Bình Dương”.

PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ