Thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý sản xuất nông nghiệp

Thứ bảy, ngày 17/09/2022

(BDO) Quan trọng và cấp thiết

CĐS trong NN&PTNT là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay cán bộ tham gia quản lý sản xuất nông nghiệp chưa hiểu rõ, không nắm được những việc cần phải làm để tiến hành CĐS.

Đứng trước nhiệm vụ và thách thức mới, Sở NN&PTNT quyết tâm thực hiện CĐS để thay đổi một cách tổng thể và dần đi đến toàn diện tất cả các khía cạnh trong công tác quản lý sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hội thảo về “Giải pháp CĐS trong quản lý sản xuất nông nghiệp” được tổ chức nhằm hướng đến một cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về CĐS trong quản lý sản xuất nông nghiệp. Qua đó, để phổ biến, tuyên truyền đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của CĐS trong ngành nông nghiệp theo quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy và kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh.

Thực hiện chuyển đổi số giúp ngành chức năng quản lý hiệu quả các sản phẩm về chất lượng, truy xuất nguồn gốc…Trong ảnh: Sản phẩm nông nghiệp Bình Dương tham gia giới thiệu tại một hội chợ liên kết cung cầu tổ chức tại địa phương

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia, báo cáo viên đến từ các đơn vị, doanh nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin; chuyên gia cung cấp dịch vụ, giải pháp CĐS đã hỗ trợ, hướng dẫn các thông tin, kiến thức, kỹ năng về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ kỹ thuật tham gia quản lý sản xuất nông nghiệp, chủ doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi để tiếp thu các kiến thức, kỹ năng, giải pháp CĐS, qua đó nhận được nhiều giải pháp, sáng kiến, kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa mục tiêu hoạt động CĐS thời gian tới.

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết đây là buổi hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay khi mà ngành NN&PTNT đang trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quản lý nhà nước trong lĩnh vực NN&PTNT; cùng với các sở, ban, ngành trong tỉnh thực hiện mục tiêu CĐS. Ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp trang trại, hợp tác xã nông nghiệp đã được các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành giải đáp, hướng dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc CĐS trong cơ quan quản lý sản xuất nông nghiệp tỉnh.

Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Có thể nói, trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc thành công phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ. Đối với các đơn vị quản lý, việc CĐS trong quản lý thông tin là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT, các đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức trong ngành khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, của Bộ NN&PTNT, của Sở NN&PTNT và các huyện, thị về CĐS, từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện CĐS ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực công tác của mình. Trong đó, cụ thể rõ mục tiêu, lộ trình thực hiện trong từng giai đoạn. Có giải pháp và đề xuất rõ nguồn lực cần huy động để triển khai hiệu quả kế hoạch CĐS đơn vị đề ra. Cùng với đó, với đặc thù nguồn nhân lực hiện nay của các cơ quan quản lý sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cán bộ chuyên môn còn hạn chế đối với các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin. Để xây dựng kế hoạch CĐS nhanh và hiệu quả, các đơn vị cần có giải pháp huy động sự phối hợp của các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn và có sở trường về công nghệ thông tin, có năng lực cung ứng các giải pháp CĐS.

Mặt khác, ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức đặc biệt đối với vị trí công việc đầu mối tham mưu thực hiện CĐS trong đơn vị. Người đứng đầu của các đơn vị trực thuộc sở chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách.

Đối với các nhiệm vụ cần đơn vị tư vấn, các đơn vị phải bố trí nguồn nhân lực cùng tham gia để cung cấp đầy đủ thực trạng liên quan đến chuyên môn, tham gia giám sát, tiếp nhận chuyển giao. Không giao khoán toàn bộ nhiệm vụ cho đơn vị tư vấn dẫn đến sản phẩm không phù hợp với thực tế chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Xác định CĐS trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. 

Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Phát triển dữ liệu số tạo nền tảng cho triển khai CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm cung cấp dữ liệu cho các dịch vụ công trực tuyến. Các cơ sở dữ liệu nông nghiệp phục vụ triển khai dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến các chủ thể sản xuất nông nghiệp cần được phát triển trước. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm.

THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC