Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững hệ thống logistics
(BDO) Bình Dương là địa phương có sự phát triển mạnh về công nghiệp. Với sự đồng bộ của hạ tầng và sự chủ động trong định hướng phát triển, tỉnh đang mở ra nhiều cơ hội mới về chuyển đổi số (CĐS) để xây dựng bền vững hệ thống logistics trên địa bàn.
Bình Dương đang thúc đẩy CĐS để phát triển bền vững hệ thống logistics. Trong ảnh: Hoạt động xuất nhập hàng hóa tại Cảng ICD Sóng Thần
Nhiều lợi thế phát triển
Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam, hình thành 30 khu công nghiệp (KCN), 12 cụm công nghiệp tập trung, đã thu hút hơn 4.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn khoảng 40,2 tỷ đô la Mỹ và hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) trong nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 cả nước. Chỉ tính riêng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Dương là hơn 56,5 tỷ đô la Mỹ, 3 tháng đầu năm 2024 là 13,4 tỷ đô la Mỹ.
Lợi thế đó đã tạo điều kiện cho các DN kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các DN.
Bình Dương đang thực hiện tái cơ cấu và cấu trúc lại các khu, cụm công nghiệp với định hướng dịch chuyển từ vùng phía nam lên phía bắc của tỉnh. Tỉnh định hướng ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao, ít thâm hụt lao động và sở hữu các công nghệ tự động hóa, thông minh hóa cao. Bên cạnh đó hạ tầng số và băng thông rộng được hoàn thiện và liên tục được nâng cấp, hướng đến ứng dụng những công nghệ 5G phục vụ công nghiệp. Đến nay, tỉnh đã phát triển hạ tầng số với độ phủ cáp quang tới khu phố, ấp, 100% xã, phường, thị trấn có mạng truyền số liệu chuyên dùng, 3.666 trạm BTS phát sóng 4G phủ 100% địa bàn toàn tỉnh phục vụ 4 triệu thuê bao. Ngoài ra, công tác bảo đảm nguồn nhân lực cũng được chú trọng để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu phát triển.
Ngoài ra, Bình Dương đã ứng dụng thành công mô hình hợp tác “ba nhà” trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bao gồm hệ thống các trung tâm về tự động hóa, sản xuất thông minh, sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo (AI)... với hệ thống cơ sở vật chất và máy móc thiết bị hiện đại, được đầu tư xứng tầm. Song song đó, tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như DN nhỏ và vừa để có thể thực hiện quá trình CĐS, thích ứng nhanh và sâu hơn, cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh cũng đang triển khai thu hút đầu tư logistics xanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng hiện đại, liên kết dịch vụ logistics cấp vùng, khu vực và quốc tế. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những giải pháp then chốt
Hiện chuỗi cung ứng trong hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đã CĐS từng phần, nhưng chưa đạt như kỳ vọng, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Theo các chuyên gia, Bình Dương cần đòn bẩy cho lĩnh vực CĐS ngành công nghiệp logistics để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế. Bình Dương đã xác định việc đẩy mạnh dịch vụ logistics là một trong những nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tích cực xây dựng Đề án Phát triển bền vững hệ thống logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các DN logistics trên địa bàn đang tích cực CĐS, tiêu biểu như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất cải tạo và xây dựng ga liên vận quốc tế Sóng Thần trở thành trung tâm logistics của tỉnh và Đông Nam bộ. Ngoài ra, Cảng Bình Dương do Công ty Cổ phần Cảng Bình Dương (thuộc Tập đoàn Gemadept) quản lý đã được đầu tư hiện đại cũng đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong quá trình CĐS của ngành logistics tỉnh nhà.
Để thúc đẩy CĐS tại tỉnh, theo ông Tăng Minh Hưởng, trường Đại học Bình Dương, một trong những biện pháp hàng đầu là tập trung vào việc cải thiện công nghệ số trong các KCN và nhà máy sản xuất. Theo ông Hưởng, tại Bình Dương đã có 6 KCN áp dụng các hệ thống quản trị thông minh từ Becamex IDC, hiện đang triển khai chuyển đổi 3 nhà máy thành mô hình sản xuất thông minh. Công việc tiếp theo là tăng cường CĐS trong từng KCN, từ việc nâng cấp các nhà máy sản xuất truyền thống thành các cơ sở sản xuất thông minh, áp dụng các giải pháp tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), mạng 5G để tối ưu hóa quy trình sản xuất và tiết kiệm tài nguyên.
Cũng theo ông Tăng Minh Hưởng, Bình Dương cần tối ưu hóa hoạt động logistics bằng cách tự động hóa các quy trình trong kho bãi và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua việc chuyển đổi các hoạt động mua bán hàng hóa sang các sàn thương mại điện tử, khuyến khích sự hợp tác giữa các DN để xây dựng nền tảng số cho hoạt động bán buôn và logistics.
PHƯƠNG LÊ