Thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
(BDO) Kỳ 1: Xu thế tất yếu của doanh nghiệp
Để phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bắt buộc các DN cần phải tận dụng những tiện ích do CĐS mang lại. Thực tế cho thấy, CĐS là xu thế tất yếu trong DN và nó đã mang lại hiệu quả to lớn.
Kho Logistics hiện đại của TBS Group vận hành dưới hệ thống SAP
Hiệu quả mang lại to lớn
CĐS (Digital Transformation) DN là thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số như: Big data, IoT (internet vạn vật hay vạn vật kết nối), điện toán đám mây… vào hoạt động của mỗi đơn vị, DN nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn. CĐS còn mang đến sự thay đổi về văn hóa của đơn vị, DN, đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại. Mục đích mà các DN CĐS thường hướng tới là: Tăng tốc độ mở rộng thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Để CĐS, các DN sản xuất đều phải thực hiện một quá trình, bao gồm: Phân tích dữ liệu nâng cao, tự động hóa quy trình và ứng dụng thành tựu công nghệ như: IoT và AI - Machine Learning (trí tuệ nhân tạo - máy học). Trong đó, việc phân tích dữ liệu nâng cao chính là tận dụng dữ liệu để xác định, kết hợp với công nghệ IoT kiểm soát tình trạng hoạt động của thiết bị, xác lập kế hoạch bảo trì thiết bị, dây chuyền sản xuất bảo đảm hoạt động ổn định nhằm tiết kiệm được chi phí khi phải xử lý sự cố liên quan đến hệ thống thiết bị sản xuất. Bên cạnh đó, việc phân tích dữ liệu nâng cao và dự báo còn giúp cho việc tối ưu trong quản lý sự phụ thuộc giữa các bộ phận, giúp cho việc điều phối nhân công diễn ra dễ dàng và chính xác hơn.
Theo ông Lê Huy Luyện, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hệ thống thông minh - SmartSystem: CĐS trong DN sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ nâng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN hiện tại mà qua đó cũng sẽ hình thành những mô hình sản xuất, kinh doanh mới. Từ thực tế đó, DN cần phải nhanh chóng triền khai các giải pháp phù hợp mới tạo được sức cạnh tranh tốt trên thương trường. “Là đơn vị xây dựng và cung cấp các giải pháp CĐS cho DN, chúng tôi mong muốn các DN sản xuất hợp tác mạnh mẽ hơn, cùng chia sẻ thông tin trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nhu cầu CĐS của DN Bình Dương là rất lớn. Đây là thị trường khá hấp dẫn cho DN cung ứng giải pháp CĐS”, ông Luyện nói.
Nhiều kết quả khả quan
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hệ thống DN tỉnh Bình Dương cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để CĐS với những kỳ vọng về sự phát triển bền vững trong xu thế hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn nhiều bất cập và chưa đồng đều giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực có vốn đầu tư trong nước. Nếu khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tiến hành nhanh chóng, hiệu quả thì khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước, mà trong đó khu vực kinh tế tư nhân, quá trình CĐS còn chậm, thậm chí còn yếu. Việc CĐS thực sự chỉ được một số DN lớn có đủ tiềm lực tài chính mạnh mẽ để đầu tư, trong khi DN vừa và nhỏ chỉ đang ở mức khởi động.
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương chia sẻ: Hiện nay trong hiệp hội, việc CĐS chỉ có một số ít thành viên thực hiện, mà cũng mới chỉ thực hiện được một số hạng mục như số hóa dữ liệu, sử dụng phần mềm cho từng bộ phận riêng lẻ chức năng chứ chưa tạo được sự đột phá mới.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn Sản xuất - Thương mại - Đầu tư Thái Bình (TBS Group), Chủ tịch Hiệp hội Giày Việt Nam cho rằng: Ngành giày Bình Dương có quy mô đầu tư lớn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm 40-50% giá trị của cả nước nhưng việc CĐS số trong hệ thống DN chưa ngang tầm dù ai cũng đã thấy tầm quan trọng của quá trình CĐS và hiệu quả của quá trình này mang lại.
Qua tìm hiểu tại các DN cho thấy, quá trình CĐS chậm là do việc áp dụng công nghệ số vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch, cũng như chiến lược thực hiện. Đây là rào cản lớn nhất với các DN khi triển khai CĐS. Các DN trong nước có quy mô vừa và nhỏ, năng lực công nghệ còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực dành cho CĐS còn hạn chế nên chủ yếu sử dụng các phần mềm, công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển. Bên cạnh đó, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho DN khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch CĐS… (Còn tiếp)
TUẤN ANH