Thuận An: Kêu gọi và khuyến khích xã hội hóa giáo dục bậc học mầm non

Thứ hai, ngày 20/12/2010

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Thuận An có gần 300.000 công nhân lao động (CNLĐ) ngoài tỉnh đến làm việc và sinh sống, trong đó hơn 60% là CNLĐ nữ. Từ đó, đã gây nhiều áp lực cho địa phương khi nhu cầu gửi con em của CNLĐ ngày càng tăng cao. Trong khi đó, số trường mầm non công lập không đủ đáp ứng nên hàng loạt cơ sở ngoài công lập (CSNCL) không phép phát sinh. Vấn đề này cũng đang được phía lãnh đạo huyện Thuận An quyết tâm chấn chỉnh bằng cách kêu gọi và khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là ở bậc học mầm non.

Chỗ gửi trẻ an toàn: Một câu hỏi khó!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều CNLĐ ở Thuận An cho biết họ rất muốn gửi con mình vào những cơ sở mầm non công lập đạt chuẩn. Tuy nhiên, đối với những cơ sở này một mặt là chi phí còn cao, mặt khác là thủ tục rất phiền hà. Đây chính là những rào cản đối với CNLĐ có thu nhập thấp. Trong khi đó, những CSNCL không phép, thiếu chuẩn và mang tính gia đình thông thường có chi phí thấp, dễ dàng xin vào nên được nhiều phụ huynh là CNLĐ lựa chọn.

  Được gửi con vào các cơ sở mầm non đạt chuẩn là mơ ước của nhiều CNLĐ đang làm việc tại Thuận AnAnh Trần Quang Huy, một CN đang làm việc tại Công ty Giày da Hài Mỹ (Thuận An), cho biết từ khi lập gia đình và có con thì chuyện gửi con luôn là nỗi nhọc nhằn nhất của vợ chồng anh. Thu nhập thấp nên không dám nghĩ đến chuyện gửi con vào các trường tư thục, còn trường công lập thì đến đâu cũng cho biết... hết chỗ! Anh Bùi Đình Long - một phụ huynh có con gửi ở một CSNCL không phép tại xã Bình Hòa cho chúng tôi biết, mặc dù họ rất lo lắng khi gửi con em vào các cơ sở kiểu này, nhưng để xin được vào một cơ sở chính quy thì đòi hỏi nhiều thủ tục và họ không thể đáp ứng được nên đành chịu!

Tại một cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận An Lê Quang Vinh, thừa nhận cái khó của Thuận An là có đến trên 280.000 CNLĐ đến làm việc, do đó nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ là rất lớn. Trước thực tế này, UBND huyện cũng đã có kế hoạch mỗi năm đều mở thêm trường, lớp ở bậc học mầm non; đồng thời nâng cấp, sửa chữa thêm nhiều trường công lập, khuyến khích xã hội hóa bậc học mầm non. “Tuy nhiên số trường lớp ở bậc học này so với tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm quá lớn nên huyện chưa đáp ứng kịp. Đây cũng là bài toán khó cho ngành giáo dục tại địa phương”, ông Vinh nói.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thuận An có 13 cơ sở mầm non công lập với 4.309 học sinh, 41 CSNCL có phép với tổng số 4.563 học sinh và 72 CSNCL chưa được cấp phép với hơn 2.000 học sinh theo học. Đây là con số trên văn bản, còn trên thực tế thì số CSNCL không phép còn cao hơn nhiều. Trước thực trạng này, UBND huyện Thuận An cũng đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT, Phòng LĐ-TB&XH và các xã, thị trấn nghiêm túc điều tra, khảo sát lại toàn bộ các CSNCL hoạt động “chui” để có hướng giải quyết kịp thời.

Quyết tâm chấn chỉnh

Một trong những điểm khó hiện nay là mặc dù biết rằng các CSNCL chưa đạt chuẩn hoạt động “chui” rất lớn, nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực thì những cơ sở này đã đáp ứng tạm thời nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ trên địa bàn. Do đó, trong quá trình kiểm tra, nên hay không nên đình chỉ hoạt động CSNCL cũng là bài toán khó, gây nhiều áp lực cho địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó phòng GD-ĐT huyện Thuận An, quan điểm của phòng là trong quá trình kiểm tra những CSNCL nào không bảo đảm điều kiện nuôi dạy trẻ thì mới “thẳng tay” phạt vi phạm hành chính và có thể đình chỉ ngay, còn những CSNCL nào tạm được, chỉ thiếu một vài điều kiện thì cho họ thời gian để khắc phục, tiến tới đạt chuẩn.      

Ông Lê Quang Vinh cho biết trong tháng 12-2010, các đơn vị chuyên môn và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ chấn chỉnh hoạt động ở bậc học mầm non. Theo ông Vinh, vụ việc bảo mẫu Trần Thị Phụng tuy đã được ra ánh sáng, nhưng quan điểm của huyện vẫn kiểm điểm nghiêm túc việc quản lý hành chính tại cơ sở. Trước mắt, để chấn chỉnh tốt hoạt động ở CSNCL bậc học mầm non thì huyện đã yêu cầu địa phương kiểm tra, phát hiện và thông báo cho các gia đình có con em gửi tại cơ sở chưa đạt chuẩn biết, đồng thời đưa ra thời gian nhất định để cơ sở đó khắc phục những điểm chưa tốt. Nếu cơ sở nào không chấp hành sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động.

Cũng theo ông Vinh, trong thời gian tới, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động mầm non, tạo chỗ học an toàn cho con em CNLĐ, quan điểm của Thuận An là kêu gọi các tổ chức, cá nhân và huy động xã hội hóa giáo dục, nhất là ở bậc học này. Do đó, huyện sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có ý định xây dựng nhà trẻ cho con em CNLĐ. Cụ thể nhất là vừa qua, sau khi vụ việc cháu Ngân bị hành hạ được phát tán trên mạng, Công ty Giày da Hài Mỹ - nơi cha mẹ cháu Ngân làm việc đã có chủ trương xin huyện được phép thành lập nhà trẻ cho con em CNLĐ của họ. “Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương này của công ty và đề nghị Phòng GD-ĐT huyện và các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện giúp đỡ để công ty sớm xây dựng được nhà trẻ, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ”, ông Vinh nói.

HỒ VĂN