Thuận An Hòa - chiến khu xưa lấp lánh sắc màu công nghiệp hóa

Thứ ba, ngày 07/04/2015

Hai cuộc chiến đi qua, biết bao lần địch chà đi xát lại nhưng cái tên Thuận An Hòa vẫn hiên ngang tồn tại. Dù đứng giữa vòng vây bốn bề là căn cứ địch và ngay sát yết hầu Sài Gòn, nhưng Thuận An Hòa luôn là chỗ dựa vững chắc để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của ta, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang cách mạng của Lái Thiêu, của tỉnh Bình Dương và các vùng phụ cận lúc bấy giờ. Và hôm nay đây, mảnh đất này đã thật sự hồi sinh, trở thành một trong những vùng phát triển kinh tế trọng yếu của TX.Thuận An nói riêng và Bình Dương nói chung.

(BDO)

 Tượng đài Dân quân chính Đảng Chiến khu Thuận An Hòa. Ảnh: Q.CHIẾN

Một thời oanh liệt

Với những ai đã vào sinh ra tử qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ ác liệt đều biết đến Chiến khu Thuận An Hòa. Một chiến khu đã khiến bọn địch mới nghe tới đã phải khiếp sợ. Chúng nhiều lần càn phá nhưng không san bằng được vùng chiến khu này.

Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Sông Bé - Bình Dương cho biết, Thuận An Hòa là tên ghép của một vùng đất đấu lưng lại với nhau của 3 xã Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa xưa (nay tất cả đã lên phường, thuộc TX.Thuận An). 3 xã này nằm ngay sát nách địch nhưng với địa thế của một vùng đất đồi gò vừa có những dãy rừng lớn như rừng Cò Mi và các lõm rừng đan xen liên hoàn, lại vừa có dân nên Thuận An Hòa rất có lợi thế làm chỗ dựa cho các lực lượng cách mạng có thể tiến và lui có thế thủ. Vì vậy, khi vùng An Sơn bị quân Pháp tập trung đánh phá cấp tập, phong tỏa bằng pháo binh, bộ binh vào cuối năm 1945, vùng đất này được chọn để xây dựng căn cứ, tổ chức lại cơ cấu kháng chiến của tỉnh. Và từ đầu năm 1946 trở đi, nhiều cơ quan, lực lượng của khu, tỉnh, huyện, các xã lân cận và tỉnh giáp ranh đã lần lượt đưa quân về Thuận An Hòa đứng chân hoạt động.

Dưới sự chỉ huy thống nhất của Ban Chỉ huy Chi đội 1 (sau này chuyển giao cho Ban Chỉ huy dân quân huyện Lái Thiêu), hệ thống phòng thủ, bảo vệ căn cứ Thuận An Hòa được tổ chức thành nhiều lớp chặt chẽ. Trên các ngả đường dẫn vào căn cứ, các cạm bẫy bằng hầm chông, bãi mìn, lựu đạn, đạp lôi được bố trí đều khắp. Ở mỗi cơ quan đều có hầm bí mật ngụy trang bằng việc cò cây (tức là kéo cây xuống nhưng không làm gãy để giữ màu xanh) và giữa các cơ quan trong căn cứ, lối qua lại đều có hầm chông, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân qua lại đều phải lót ván.

Người dân nơi đây cũng hết lòng đi theo cách mạng, tiêu biểu nhất là Bình Hòa (được Bác Hồ đề các nghị khen tặng làng kháng chiến kiểu mẫu năm 1948) vì cả làng không ai đi theo giặc. Không chỉ có các chủ lò đường, lò chén góp tiền cho kháng chiến mà người dân nghèo đẽo từng chiếc đòn gánh, đan thúng, đan nia cũng gom góp từng cắc, từng xu nuôi quân đánh giặc. Mỗi khi thấy bọn lính Tây, lính ngụy vừa ra khỏi đồn bót, người dân đi xe ngựa, xe đạp hay chạy bộ đến thông báo cho ta.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huyện ủy Lái Thiêu vẫn lấy vùng Thuận An Hòa xây dựng lại căn cứ. Lúc này khó khăn chồng chất khi không có cơ sở. Nước lại rất thiếu trong khi rừng bị tàn phá, địch lại chủ trương càn ủi, phá rừng, lập khu trù mật, dồn dân vào ấp chiến lược hòng thực hiện ý đồ tát nước bắt cá. Ta một mặt lo khôi phục căn cứ, mặt khác xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng. Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, phong trào đấu tranh cách mạng ở Lái Thiêu có nhiều chuyển biến. Các chiến thắng liên tiếp ở Bình Đức (Bình Hòa), trận diệt gọn trung đội biệt kích và bẻ gãy kế hoạch lập “khu trù mật” An Phú đã làm nức lòng nhân dân trong huyện, nhất là nhân dân vùng Thuận An Hòa. Từ đó khí thế phong trào quần chúng lên mạnh, thanh niên thoát ly tham gia du kích, lực lượng vũ trang huyện, tỉnh ngày càng đông. Nhờ vậy, lực lượng vũ trang huyện và du kích xã, cơ sở quần chúng phát triển nhanh.

Được nhân dân ủng hộ và áp dụng 3 mũi giáp công khéo léo, đến giữa năm 1964, đại bộ phận các ấp chiến lược của địch trên địa bàn huyện Lái Thiêu đều bị phá rã. Ba xã Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa thành vùng giải phóng. Huyện đã huy động lực lượng dân quân các xã An Sơn, An Thạnh, Thuận Giao... xây dựng căn cứ, địa đạo, ô ụ chiến đấu trong khu Thuận An Hòa. Các đoạn địa đạo cũ được tu sửa lại. Từ năm 1964, Thuận An Hòa lại trở thành nơi đứng chân hoạt động của nhiều đơn vị cách mạng của huyện và tỉnh.

Ngày 4-6-1965, lần đầu tiên quân Mỹ (Lữ đoàn dù 173) mở cuộc hành quân càn quét vào Chiến khu Thuận An Hòa. Dựa vào hệ thống địa đạo, các ô ụ chiến đấu và giao thông hào, lực lượng C63 của huyện cùng du kích các xã Bình Hòa, An Phú, Bình Chuẩn đã chiến đấu rất dũng cảm. Qua 3 ngày đánh trả quyết liệt, cuộc hành quân càn quét của Lữ đoàn dù 173 đã nếm mùi thất bại. Điều này chứng tỏ một điều, dù quân Mỹ có hỏa lực mạnh, xe tăng, khả năng cơ động tác chiến hiện đại nhưng quân dân ta có quyết tâm cao hoàn toàn có thể đánh được Mỹ. Với khí thế đó, từ đây đã nổi lên nhiều gương chiến đấu anh dũng như Trần Thị Hoa, Từ Văn Phước, Lê Thị Trung làm cho quân Mỹ khiếp sợ mỗi khi càn quét vào căn cứ.

Hai cuộc chiến đi qua, biết bao lần địch chà đi xát lại Thuận An Hòa vẫn tồn tại hiên ngang. Từ “thế trận lòng dân” quân dân Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Và đây, một vùng kinh tế trù phú

Ngày nay, Thuận An Hòa đã thực sự khác xưa. 40 năm sau ngày đất nước được giải phóng, chiến khu xưa đã được Đảng bộ, chính quyền cùng quân và dân nơi đây bắt tay vào khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, chung tay góp sức xây dựng quê hương. Đáp lại công lao đó, vùng căn cứ cách mạng xưa giờ đã thành đất công nghiệp, dịch vụ, thương mại trù phú. Những tuyến đường thênh thang rộng mở; những khu dân cư, khu chuyên gia sầm uất... tạo bộ mới cho vùng đất này. Nổi bật nhất chính là những khu công nghiệp như Việt Nam - Singapore, Việt Hương... với hàng ngàn doanh nghiệp tìm đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đã tạo nên cho vùng đất chiến khu xưa lấp lánh sắc màu công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Không chỉ giải quyết việc làm cho người dân địa phương, các khu công nghiệp này còn thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành khác đến làm ăn sinh sống, thúc đẩy đô thị phát triển, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Khu phố Bình Thuận 2 là một điển hình. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Tâm, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban điều hành khu phố cho biết, chục năm trước, cả khu phố chỉ có khoảng 300 hộ dân thì hiện nay đã có đến 1.000 hộ; trong đó có khoảng 40.000 người tạm trú. Người dân chủ yếu sống nhờ kinh doanh nhà trọ và dịch vụ, thu nhập rất ổn định. Còn ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao cho biết, từ năm 1996, thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp, Thuận Giao đã thật sự chuyển mình. Công ty, xí nghiệp mọc lên san sát, nhờ vậy đời sống người dân không ngừng tăng lên. Toàn phường hiện có 40 tuyến đường đã được nhựa hóa. Hệ thống trường, trạm tương đối hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học, khám chữa bệnh của người dân.

Không “thua chị kém em”, 2 phường An Phú và Bình Hòa cũng đã có nhiều đổi thay. Người dân nơi đây chia sẻ rằng, đất đai vùng này nay có giá trị kinh tế cao lắm! Người dân bản địa chỉ cần có đất, xây nhà trọ cho thuê thôi cũng đã khá giả rồi. Ông Nguyễn Hữu Châu, Chủ tịch UBND phường An Phú cho biết, hiện nay cơ cấu kinh tế của phường đang chuyển dần theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, toàn phường có đến 700 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến sản xuất, kinh doanh. Để tạo sự ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, toàn hệ thống chính trị của phường tập trung chăm lo cho thanh niên công nhân, lực lượng có đóng góp quan trọng cho địa phương qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, thành lập câu lạc bộ, đội, nhóm...

40 năm sau ngày giải phóng, Chiến khu Thuận An Hòa năm xưa, nơi luôn làm kẻ địch khiếp đảm, hôm nay vẫn đang tiếp tục đổi thay từng ngày. Nhà cửa, phố sá thênh thang và những dòng người đi lại giao thương nhộn nhịp. Chúng tôi đến thăm lại chiến khu trong niềm vui ngày mới, vẫn cảm nhận thấy đâu đây dấu xưa một thời oanh liệt vọng về.

 THU THẢO