Thư viện tỉnh: Số hóa tài liệu địa chí nhằm phục vụ độc giả ngày càng tốt hơn

Thứ hai, ngày 20/02/2012

Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin cho độc giả một cách tiện lợi, nhanh chóng, vừa qua Thư viện (TV) tỉnh đã triển khai đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu số thông tin địa chí tỉnh Bình Dương”. Đề tài đã được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá cao về chất lượng triển khai cũng như hiệu quả ứng dụng...

Cơ sở dữ liệu số thông tin địa chí (toàn văn địa chí) là cơ sở dữ liệu cung cấp các thông tin gốc về tài liệu địa chí đọc trên máy tính. Đây là hình thức phục vụ mới của TV tỉnh. So với các cơ sở dữ liệu khác, xây dựng dữ liệu số đòi hỏi sự tinh tế, cẩn thận trong từng thao tác. Sự xuất hiện loại cơ sở dữ liệu số thông tin địa chí đã đem lại nhiều lợi ích cho bạn đọc lẫn cán bộ TV. Đối với bạn đọc, có thể sử dụng vốn tài liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Đối với cán bộ TV, giảm nhẹ công việc phục vụ và dịch vụ mượn - trả tài liệu giữa các TV sẽ thực hiện dễ dàng hơn.

 Với phương thức phục vụ trực tuyến bạn đọc không phải đến thư viện vẫn có thể tra cứu, đọc tài liệu được

Bà Nguyễn Thị Hai, Giám đốc TV tỉnh cho biết, TV tỉnh cần có một hệ thống thông tin đầy đủ, phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình nhằm đáp ứng yêu cầu dùng tin học với nhiều phương thức khác nhau của độc giả, đặc biệt là cung ứng thông tin địa chí toàn văn chính xác và kịp thời các nội dung mang tính dữ liệu, dữ kiện liên quan đến địa phương. Để đáp ứng nhu cầu thông tin trong giai đoạn mới, TV tỉnh đã tạo lập các cơ sở dữ liệu toàn văn tư liệu địa chí, số hóa các loại hình tài liệu quý hiếm, độc bản... nhằm tạo điều kiện cho bạn đọc trong và ngoài TV khai thác thông tin một cách nhanh chóng, chính xác. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hai, việc ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin chuyên dụng hiện đại đã làm thay đổi quy trình xử lý nghiệp vụ chuyên môn của TV theo hướng tích cực, đầy tiện ích. Khác với phương thức phục vụ truyền thống, mỗi khi độc giả cần thông tin gì phải đến tận TV mới có thể mượn sách, tài liệu để đọc và nghiên cứu. Còn với phương cách phục vụ trực tuyến mới này, độc giả chỉ cần vào trang web của TV tỉnh (thuvienbinhduong.org.vn) là có thể tra cứu, đọc tài liệu, khai thác tư liệu địa chí Bình Dương trên mạng theo nhu cầu của mình mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Theo bà Hai, với phương thức phục vụ trực tuyến sẽ tạo nên môi trường nghiên cứu và học tập tốt cho người dân Bình Dương, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Có thể nói, việc ứng dụng hiệu quả đề tài này sẽ giúp TV có một cơ sở dữ liệu số thông tin địa chí của tỉnh Bình Dương nhằm bảo tồn, phát huy toàn bộ nội dung kho di sản văn hóa thành văn của tỉnh nhà; đồng thời mở ra một hướng đi mới trong công tác lưu trữ, bảo quản, phục vụ và tạo nên môi trường học tập, nghiên cứu thích hợp cho bạn đọc tìm hiểu về địa phương một cách tiện ích.

CẨM LÝ