Thủ tướng yêu cầu không sử dụng tên gọi "trạm thu giá BOT"

Thứ bảy, ngày 02/06/2018

(BDO)  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, chiều 2/6, các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm và cho ý kiến đối với một số vấn đề cụ thể đang được dư luận quan tâm.

Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề thay đổi tên gọi các Trạm thu phí BOT đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận những ngày gần đây.

Tại Phiên họp lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của nhân dân và các Đại biểu Quốc hội để thống nhất tên gọi cho phù hợp, không sử dụng tên gọi “Trạm thu giá BOT.”

Không sử dụng tên gọi “Trạm thu giá BOT”

Về nội dung này, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã lấy ý kiến của nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân về tên gọi thay thế cho Trạm thu phí BOT và nhận được nhiều góp ý với những tên gọi khác nhau, trong đó có “Trạm thu giá.”

Nhưng đến nay vẫn chưa chốt phương án cuối cùng. Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của nhân dân và Quốc hội tại phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV để qua đó có những điều chỉnh phù hợp.

Góp ý về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, phí giao thông BOT đang thực hiện theo quy định của Luật Giá tương tự như học phí và viện phí. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, không nên thay đổi tên thành Trạm thu giá BOT mà nên giữ nguyên là Trạm thu phí BOT. Còn mức phí cụ thể vẫn thực hiện theo quy định của Luật Giá và được thể hiện trên vé qua trạm.

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng, người dân và đại biểu Quốc hội, nhất là tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV để qua đó, nghiên cứu tên gọi cho các Trạm thu phí BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “Trạm thu giá.”

Chính phủ “nói đi đôi với làm”

Kết luận phần thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu sớm khắc phục các tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành trong các ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cập nhật kịch bản tăng trưởng quý đối với từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/6.

“Đây là việc làm cần thiết để điều hành sát với thực tiễn hơn, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị trong thực hiện kế hoạch năm 2018,” Thủ tướng nêu rõ và lưu ý trong kịch bản tăng trưởng cần cân nhắc đến tình hình kinh tế khu vực và thế giới, diễn biến căng thẳng thương mại, sự biến động của giá dầu để làm cơ sở xây dựng, ban hành các quyết sách cụ thể của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “đi sâu đi sát với thực tế,” “nói đi đôi với làm,” tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Về những nhiệm vụ chung, nhắc lại yêu cầu kiềm chế lạm phát không quá 4% trong năm 2018, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tránh tình trạng “lạm phát tâm lý,” cần theo dõi sát thị trường nhất là các mặt hàng nông sản; có kế hoạch bình ổn, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng nguyên liệu chủ lực như vật liệu, ximăng, sắt thép, xăng dầu…

Đáng lưu ý, quyết liệt chỉ đạo việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần: “Không sử dụng kịp thời thì bị kỷ luật và cắt vốn.”

Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trước tình trạng tín dụng đen đang diễn ra tràn lan, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và hệ thống ngân hàng có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này.

Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách tiền tệ nằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện chủ trương chống lãng phí. Tăng cường quản lý, điều tiết thị trường chứng khoán, tránh dao động lớn trong bối cảnh thị trường đang phục hồi tốt.

Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hiệu quả hơn vấn đề Thẻ vàng mà EU đã cảnh cáo, không để kéo dài. Bên cạnh đó là ổn định giá thịt lợn; quản lý tốt thị trường phân bón, an toàn hồ đập, đê, kè trước mùa mưa bão năm nay.

Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng chỉ đạo khắc phục những bất cập, tồn tại trong quản lý và phát triển du lịch đã xảy ra thời gian qua, có những giải pháp nổi trội trong tiếp cận các thị trường trọng điểm về du lịch.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vấn đề bất cập tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam, tổ chức lại một cách căn bản tổ chức này để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn.

Thủ tướng cũng nhắc nhở việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong dịp hè, nhất là phòng, tránh đuối nước. Cũng liên quan đến sức khỏe các em, cho rằng có tình trạng “nói nhiều nhưng kết quả không được bao nhiêu,” Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh, nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn ở tất cả các trường học.

Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các vụ phá rừng, kể cả các trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên để làm gương. Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân; có những biện pháp xử lý mạnh mẽ các hành vi vi phạm về phòng, cháy chữa cháy, nhất là trong mùa hè.

Thủ tướng nhắc nhở các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương và hệ thống cán bộ, công chức trong cả nước thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại Phiên họp, Thủ tướng giao 2 Tổ công tác của Chính phủ tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là những nội dung quan trọng cần hoàn thành trong năm 2018 trong các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ./.  

Theo TTXVN