Thủ tướng Việt Nam-Campuchia dự khánh thành cột mốc biên giới
(BDO)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen tại Lễ khánh thành Cột mốc 30 và đường nối hai trạm kiểm soát. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Sau khi dự lễ khánh thành cột mốc 30 và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-O Za Dao trên biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia vào sáng 26-12 tại Gia Lai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen đã đến An Giang khánh thành cột mốc 275.
Chiều 26-12, tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cùng mở tấm vải phủ cột mốc 275, khánh thành cột mốc này tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên-Ohonomdon.
Đây là sự kiện chính trị lớn trong quan hệ hai nước Việt Nam và Campuchia; thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ hai nước trong việc cùng cố gắng, nỗ lực hoàn thành sớm công tác phân giới, cắm mốc.
Để hoàn thành xây dựng mốc 275 và các công trình liên quan, hai tỉnh An Giang, Việt Nam và Takeo, Campuchia đã hợp tác chặt chẽ.
Các đơn vị thi công đã hết sức tích cực, cố gắng làm việc không kể ngày đêm, huy động tối đa sức người, sức của, tiến hành nhiều hạng mục như đắp đường, san ủi mặt bằng, ép cọc móng, đổ bêtông… hoàn thành đúng thời hạn việc xây dựng cột mốc số 275.
Cột mốc số 275 cùng cảnh quan xung quanh khang trang, to đẹp trên đường biên giới hai nước hứa hẹn sẽ trở thành một địa điểm thăm quan du lịch hấp dẫn không chỉ với nhân dân 2 nước Việt Nam và Campuchia mà còn đối với du khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới.
Tỉnh An Giang và tỉnh TaKeo có 33 cột mốc biên giới, việc hoàn thành xây dựng cột mốc 275 có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch cho nhân dân hai tỉnh, đồng thời có ý nghĩa giúp phát triển kinh tế của mỗi tỉnh.
Mốc 30 và 275 cùng với 314 đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước thống nhất xác định sau khi hai bên ký Bản Ghi nhớ (MOU) ngày 23-4-2011.
Ngày 20-11 tại Thủ đô Phnom Penh, đại diện hai bên đã thống nhất khởi công xây dựng cùng lúc 2 cột mốc này.
Với việc hoàn thành xây dựng hai cột mốc 30 và 275, hai nước đã hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế; cùng với cột mốc ở điểm đầu (mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia) và cột mốc cuối cùng (mốc 314) trên đường biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia và 297 cột mốc chính đã xây dựng, có thể nói công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước đã cơ bản hoàn thành với việc hình thành được “xương sống” của hệ thống mốc giới trên toàn tuyến.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; khẳng định tính đúng đắn của công tác phân giới cắm mốc mà hai nước đã và đang triển khai, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia; góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng đã có lịch sử quan hệ từ lâu đời. Biên giới đất liền giữa hai nước có chiều dài khoảng 1.137km, đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) và 9 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Cratie, Tboung Khmum (trước đây là Kampong Cham), Prey Veng, Svey Rieng, Kandal, Ta Keo và Kampot).
Việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia nói chung và xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước nói riêng luôn là mục tiêu chiến lược và được lãnh đạo cấp cao hai nước coi trọng và quyết tâm theo đuổi.
Chính vì mục tiêu này, hai nước đã ký kết các hiệp ước hoạch định toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước và trên cơ sở đó đã phân giới cắm mốc được trên 80% đường biên giới đất liền./.
Theo TTXVN