Thủ tướng: Tăng trưởng phải đi đôi với ổn định vĩ mô

Thứ bảy, ngày 07/12/2013

Sáng 7-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP HCM về tình hình kinh tế -xã hội trên địa bàn.

Báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết, năm 2013, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài đã gây bất lợi đến tình hình kinh tế trong nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn TP.HCM phát huy mạnh mẽ hơn vai trò đầu tàu của kinh tế cả nước. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và những nỗ lực, giải pháp quyết liệt trong điều hành của lãnh đạo Thành phố, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đang trên đà phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng.

Năm 2013, GDP của Thành phố dự kiến đạt 764.444 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2012, gấp 1,65 lần năm 2010; dự kiến tăng trưởng GDP trong 3 năm, từ 2011-2013 đạt 9,6% (năm 2011 tăng 10,3%, 2012 tăng 9,2%), bằng 1,7 lần tốc độ tăng của cả nước); GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2013 ước đạt 4.513 USD/người, bằng 1,4 lần so với năm 2010.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát tốt, năm 2013 ước tăng 5,1%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,33 tỷ USD. Thu ngân sách ngân sách nhà nước ước đạt 229.514 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. Vốn huy động của hệ thống ngân hàng ước tăng 11%, dư nợ tăng 9%. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 ước khoảng 225.840 tỷ đồng, trong 3 năm (2011-2013) khoảng 645.851 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế Thành phố chuyển dịch đúng hướng, gắn với từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc kinh tế, tăng dần tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu và giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ. Trong đó, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GDP, chiếm 58,4%; công nghiệp và xây dựng chiếm 40,6% và nông nghiệp chiếm 1%.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 5 năm (2006 - 2010), chỉ số TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) đóng góp 17,4% vào tăng trưởng GDP của Thành phố; đến năm 2011 đạt 29,1% và năm 2012 đã tăng ở mức 30,1%.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Quân cũng cho rằng chất lượng tăng trưởng của Thành phố chưa thực sự vững chắc, năng lực cạnh tranh chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa có đột phá, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...

 

Trong số 25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2013, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 15 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Tuy nhiên, Thành phố vẫn còn 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra (tốc độ tăng GDP, tổng vốn đầu tư phát triển, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ xử lý nước thải y tế).

Năm 2014, Thành phố phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 9,5-10%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến chiếm khoảng 31% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn cả nước; giải quyết việc làm cho 265.000 lao động.

Giai đoạn 2014-2015, Thành phố đặt ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đạt từ 10,5-11,9%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 4.800 USD. Trong đó, tốc độ tăng các ngành dịch vụ đạt từ 10,9-12,1%; tốc độ tăng ngành công nghiệp từ 11,3-12,6%; tốc độ tăng ngành nông nghiệp từ 4-5%; tỷ lệ hộ nghèo (mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) dưới 3%.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 của Thành phố không đạt kế hoạch đề ra, tuy nhiên kinh tế của Thành phố đang có chiều hướng phục hồi và ổn định, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, năm 2013 cao hơn năm 2012. Đây là dấu hiệu tích cực để sang năm 2014 và những năm kế tiếp đạt được sự phát triển bền vững.

Theo Thủ tướng, một trong những kết quả quan trọng, hết sức có ý nghĩa trong điều hành của Thành phố đó chính là công tác kiềm chế và kiểm soát hiệu quả việc tăng giá hàng hóa. “Vấn đề lạm phát thời gian qua do nhiều nguyên nhân, do những vấn đề nội tại của nền kinh tế đất nước, do suy thoái kinh tế thế giới tác động... Đây là mối quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước. Công tác kiềm chế lạm phát của đất nước thời gian qua đạt kết quả tốt, trong đó có sự đóng góp hết sức tích cực của Thành phố”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết: “Năm 2012, tăng trưởng GDP của nước ta đạt khoảng 5,2%, năm 2013 dự kiến tăng 5,4%. Mặc dù mức tăng này còn chậm nhưng đã có sự phục hồi. Quan điểm của Chính phủ là tăng trưởng phải đi đôi với ổn định vĩ mô. Chúng ta đã có những bài học thấm thía rằng nếu điều hành mà nóng vội, cố đưa tăng trưởng cao bằng cách tăng tín dụng, sẽ dẫn tới nợ xấu tăng và nguy cơ lạm phát quay trở lại”.

Theo Thủ tướng, với việc các chỉ số kinh tế vĩ mô đã ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2013 có chuyển biến tích cực, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2013 đạt khoảng 21 tỷ USD (tăng hơn 50% so với 2012), cùng với sự ổn định chính trị của đất nước và kinh tế thế giới cũng được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2013, đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để có niềm tin tăng trưởng kinh tế của chúng ta năm sau sẽ tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Thủ tướng cũng đồng tình với các chỉ tiêu và giải pháp mà TP HCM đề ra cho năm 2014 và các năm tiếp theo và cho rằng, TP Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về nhiều mặt, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên vai trò dẫn dắt, lan tỏa là rất quan trọng.

Trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế như thời gian qua, ngoài 4 lĩnh vực sản xuất ưu tiên, Thành phố cần làm tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt cần thu hút các tập đoàn lớn, có công nghệ hiện đại vào đầu tư. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ có thế mạnh như tài chính-ngân hàng, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ. Chính phủ sẽ có chính sách để hỗ trợ để Thành phố phát triển những lĩnh vực này.

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Thành phố cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm. Hiện là thời điểm cuối năm, cần làm tốt công tác cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân đón Tết chu đáo, vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Theo Chinhphu.vn