Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công

Thứ ba, ngày 21/04/2015

(BDO) Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục cập nhật hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng trong 11 lĩnh vực phải sát với thực tế...

Sáng 21-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 16-1-2012 của Ban chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 ”.

Toàn cảnh hội nghị

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Liên Khương - Đà Lạt, Hà Nội - Thái Nguyên hay Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng nhiều các tuyến đường trục chính, cầu lớn, sân bay đã được hoàn thành…là các công trình giao thông điển hình quy mô lớn, không chỉ góp phần kết nối giữa các vùng miền trong cả nước mà còn kết nối với các quốc gia láng giềng và quốc tế.

Hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm khác như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, mở rộng quốc lộ 1 và cảng quốc tế Lạch Huyện...cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công, ưu tiên bố trí vốn đầu tư dứt điểm để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cùng với các công trình giao thông quan trọng, trong 3 năm qua, nhiều dự án hạ tầng năng lượng, thủy lợi, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và xây dựng nông thôn mới cũng được Chính phủ và chính quyền các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước tạo diện mạo mới và nền tảng quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển...

Các tham luận tại hội nghị nhấn mạnh đến sự chuyển biến lớn trong nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo tính đồng bộ trong kết nối liên ngành, liên vùng trên phạm vi cả nước. Đặc biệt là sự thay đổi nhận thức về vai trò của các khu vực thể chế và vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng nguồn lực bước đầu đã thu hút nguồn lực đầu tư đáng kể từ doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo
Các đại biểu cũng phân tích nguyên nhân và đề xuất nhiều biện pháp nhằm khắc phục thực trạng nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu; thủ tục lựa chọn nhà đầu tư có nơi lên tới trên 500 ngày; rào cản trong xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư; vướng mắc giải phóng mặt bằng dẫn đến đội vốn; phối hợp liên bộ, liên vùng chưa chặt chẽ; phân cấp mạnh nhưng thiếu quản lý tập trung thống nhất...

Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hiệu quả trong quản lý đầu tư công ngày càng chặt chẽ hơn gắn với huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư đã góp phần tạo chuyển biến tích cực và cụ thể trên 11 lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng từ giao thông; năng lượng; thủy lợi; hạ tầng đô thị; khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng thương mại đến hạ tầng công nghệ thông tin; giáo dục, đào tạo; khoa học công nghệ; y tế; văn hóa và hạ tầng nông thôn mới, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Trên cơ sở phân tích rõ những tồn tại, hạn chế sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 13, nhất là nhiều thể chế, chính sách còn vướng mắc liên quan đến các hình thức đầu tư mới như công tư, BT…Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính theo hướng: vừa quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, vừa nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, vừa huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH.

“Thể chế, luật pháp cải tiến rất nhiều nhưng còn nhiều vướng mắc rồi chậm. Thí dụ huy động công - tư ban hành rồi, có Nghị định rồi nhưng bây giờ mấy Bộ còn nợ thông tư, không có thông tư thì thì làm sao làm? Tôi nói nhiệm vụ thứ nhất là phải rà soát hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính để công tác đầu tư này huy động được vốn nhiều hơn ngoài xã hội tham gia. Thứ hai là sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn huy động được mà trước hết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước, rồi làm sao chất lượng công trình tốt hơn, không để xảy ra tiêu cực…hoàn thiện thể chế theo hướng đó”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục cập nhật hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng trong 11 lĩnh vực phải sát với thực tế, có tính khả thi cao, nhất là trong quy hoạch xử lý rác, nghĩa trang, nước sạch, nhà ở xã hội…Đây là cơ sở để xây dựng dự án cùng các cơ chế chính sách thực hiện hiệu quả.

Các bộ, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích mọi người dân, các thành phần kinh tế trong xã hội và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cả với những dự án mới và các công trình hiện có thông qua phương thức nhượng quyền khai thác, quản lý cho các nhà đầu tư.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xây dựng đề án khai thác hạ tầng giao thông; Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn nghiên cứu xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, quản lý các hồ chứa nước; Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án khắc phục những bất cập, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng…

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán nguồn vốn đầu tư công trong 5 năm tới (2016-2020) từ 3 nguồn là ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA để xây dựng kế hoạch trung hạn; các bộ, ngành và địa phương phải xác định rõ các dự án, các lĩnh vực có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư gắn với cơ chế để huy động các nguồn lực đầu tư…

Sau hội nghị hôm nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể, đôn đốc từng bộ, ngành và các địa phương cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Trung ương “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 ”./.

Theo VOV