Thủ tướng Mali từ chức sau khi bị quân đội bắt tại gia

Thứ ba, ngày 11/12/2012

Thủ tướng Mali Cheik Modibo Diarra đã tuyên bố từ chức cùng chính phủ của ông vào sớm nay 11-12, ít giờ sau khi ông bị các binh sĩ bắt tại gia.

>> Thủ tướng Mali bị quân nổi dậy bắt giữ ở nhà riêng

“Tôi Cheik Modibo Diarra từ chức cùng với chính phủ của tôi”, ông Diarra tuyên bố trong bài phát biểu ngắn được phát trên đài truyền hình quốc gia ORTM. Ông không đưa ra lý do cho quyết định từ chức của mình.

  Cheik Modibo DiarraTrong khi đó, vào cuối ngày thứ hai, một nhóm binh sĩ Mali đã bắt Thủ tướng Cheick Modibo Diarra tại nhà, theo lệnh của đại tá Amadou Sanogo, một cựu thủ lĩnh đảo chính.

“Thủ tướng đã bị 20 binh sĩ đến từ Kati bắt giữ”, một nguồn tin chứng kiến vụ bắt giữ cho biết. Kati là một doanh trại quân đội bên ngoài Bamako và là trụ sở của những người từng tiến hành nổi dậy hội tháng 3 năm nay ở nước này. “Họ cho biết họ bắt ông theo lệnh của đại tá Sanogo”, nguồn tin cho biết thêm.

Thành viên trong nhóm thân cận của ông Diara cho biết, các binh sĩ đã “đập cửa dinh thự của thủ tướng và có dùng bạo lực khi đưa ông đi”.

Diarra, nhà vật lý thiên văn nổi bật từng làm việc cho nhiều chương trình không gian của NASA và là chủ tịch Microsoft ở châu Phi, trước đó dự kiến đi Paris để kiểm tra y tế. Ông đã hủy các kế hoạch tới sân bay khi biết hành lý của ông bị đưa khỏi máy bay dự kiến đưa ông tới Pháp.

Một nguồn tin cho biết ông Diarra đã thu một thông điệp ngắn dự kiến sẽ phát trên đài truyền hình quốc gia, song các binh sĩ đã tới đã truyền hình tịch thu cuốn băng.

Ông Diarra được chỉ định là thủ tướng của chính phủ lâm thời chỉ vài tuần sau cuộc đảo chính hồi tháng 3, cuộc đảo chính ném nền dân chủ ở nước này vào khủng hoảng và khiến hơn một nửa lãnh thổ Mali rơi vào tay những người Hồi giáo cứng rắn và áp dụng luật Hồi giáo một cách bạo tàn.

Vị thủ tướng 60 tuổi này ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch can thiệp vũ trang vào các vùng đất bị chiếm đóng.

Sanogo, sĩ quan ít tên tuổi, ngày 22-3 đầu năm nay đã tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Amadou Toumani Toure, chỉ sáu tuần trước cuộc bầu cử chấm dứt thời gian nắm quyền của ông.

Động thái diễn ra sau khi các binh sĩ ngày càng bất bình trước cách đối phó với phiến quân Tuareg ở miền bắc của chính phủ. Nhưng cuộc đảo chính khiến cho lực lượng phiến quân này và  các đồng minh của họ càng dễ dàng nắm quyền kiểm soát khu vực rộng hơn cả nước Pháp ở miền bắc.

Nhưng sau đó, Tuareg bị các chiến binh ly khai và Hồi giáo có liên hệ với Al-Qaeda đẩy khỏi các khu vực quan trọng, khiến khu vực rơi vào tay những kẻ cực đoan.

Các quốc gia Tây Phi hiện đang hối thúc Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc phê chuẩn kế hoạch can thiệp quân sự, được Pháp đang ủng hộ. Trong khi đó Đức và Mỹ hỗ trợ huấn luyện và hậu cần. Các cường quốc phương Tây lo ngại bắc Mali có thể trở thành thiên đường mới cho các nhóm khủng bố.

Theo Dân Trí