Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp tại Diễn đàn 2014

Thứ ba, ngày 02/12/2014

(BDO) Sáng 2-12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới”. Đây là kênh đối thoại chính thức giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và trực tiếp lắng nghe, đối thoại với các doanh nghiệp tại Diễn đàn.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2014 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan, đặc biệt sau một loạt động thái của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã tạo nên sự minh bạch, thuận lợi và niềm tin vào môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tập trung thảo luận 6 nội dung chính liên quan đến nợ công, nợ xấu trong lĩnh vực tài chính; biện pháp thúc đẩy sự phát triển khối tư nhân; vấn đề về lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; các vấn đề đặt ra khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương…
Ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, thiết thực của các đại biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là cơ sở để Chính phủ tiếp thu hợp lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát với thực tế hơn với tinh thần tạo mọi thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2015, đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn; tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,2%;chủ động kiểm soát lạm phát ở mức 5% để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển; giảm bội chi ngân sách từ 5,3% năm 2014 xuống còn 5% vào năm 2015; bảo đảm nợ công ở mức an toàn, không vượt quá quy định cho phép gắn với xử lý hiệu quả hơn, trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch. Chính phủ Việt Nam cũng đã đề ra kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2016 – 2020)với mức tăng trưởng bình quân 1 năm từ 6,5% - 7%.

Để thực hiện được những mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo, quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định. Trong đó tập trung cải cách thể chế, luật pháp, thủ tục hành chính, phát triển mạnh các loại thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản…trên tinh thần tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh; cải cách môi trường kinh doanh gắn với tăng cường các biện pháp chống hàng lậu, hàng giả, trốn thuế dưới các hình thức.

Cùng với chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại đã có, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chính phủ Việt Nam cũng đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả cao hơn năm 2014 trên các lĩnh vực, nhất là huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách mạnh đầu tư công theo hướng tập trung có hiệu quả; cải cách hệ thống tài chính ngân hàng bảo đảm hoạt động hiệu quả góp phần đưa nợ xấu về mức bình thường khoảng 3% vào năm 2015; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đại diện các nhà đầu tư châu Âu tặng Thủ tướng sách trắng về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam không chỉ đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa đạt số lượng đề ra mà quyết tâm của Chính phủ là giảm mạnh tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Mục đích là nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp, đặt các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường, bình đẳng với doanh nghiệp, thành phần khác.
“Bình đẳng ở đây nói rõ là bình đẳng trong cơ chế thị trường, trước hết trong việc phân bổ nguồn lực từ đất đai, vốn, khoáng sản… Cùng với đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm là khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút tạo thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, coi đây là một trong những ưu tiên trong thời gian tới với 2 giải pháp lớn: Hoàn thiện kinh tế thị trường gắn với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính ngân sách, khoáng sản, doanh nghiệp nhà nước và phát hiện xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm tiến bộ công bằng, an sinh xã hội trên các lĩnh vực, nhất là việc làm, y tế, giáo dục và giảm nghèo…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn thường xuyên nhận được góp ý của các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải cách nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần phát triển hiệu quả, bền vững hơn nền kinh tế Việt Nam./. 

Theo VOV