Thủ tướng: Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái

Thứ sáu, ngày 07/06/2019

(BDO) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu công tác thông tin đối ngoại cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xây dựng các kịch bản và các phương án, chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc phức tạp xảy ra, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái...


Thủ tướng tham quan trưng bày các tác phẩm đạt giải. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngày 7/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018. Cùng tham dự lễ trao giải có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản cùng các tác giả đạt giải.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận giải thưởng năm 2018 có số lượng, chất lượng cao hơn, tốt hơn. Đáng chú ý là trong số người đạt giải, nữ nhiều hơn nam, trẻ nhiều hơn già.

Thủ tướng nhấn mạnh thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác thông tin truyền thông, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Hoạt động thông tin đối ngoại góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. “Việt Nam không chỉ là đất nước hòa bình, ổn định, năng động, đổi mới và phát triển nhanh, bền vững mà còn là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện về đầu tư, thương mại và du lịch”, Thủ tướng nói.


Thủ tướng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại

Để công tác thông tin đối ngoại ngày càng thiết thực hơn, đóng góp quan trọng hơn, Thủ tướng đề nghị các cơ quan và những người làm thông tin đối ngoại cả nước tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại, Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại… Không ngừng đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trước yêu cầu mới của đất nước ta.

Thứ hai, chủ động tăng cường gắn kết giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong quá trình mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh thông tin tích cực về tình hình kinh tế- xã hội, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam để tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, của nhân dân thế giới, để huy động nguồn lực phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xây dựng các kịch bản và các phương án định hướng thông tin tuyên truyền ở từng cấp độ, chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc phức tạp xảy ra, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam.

Thứ tư, đa dạng hóa các phương thức truyền thông, tăng cường sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, phát huy hiệu quả của hệ thống cơ quan đại diện, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế về thông tin đối ngoại, tranh thủ các đối tác thông tấn, báo chí lớn, các kênh truyền thông uy tín trên thế giới. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại có sức lan tỏa, bao phủ rộng, thông tin trực tuyến, mạng xã hội, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.


Thủ tướng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải cho các tác giả. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Như các đồng chí đã biết, một Tổ quốc hùng cường, nhân dân no ấm, đất nước đoàn kết một lòng, dân chủ xã hội được phát huy rộng rãi không chỉ ở trong nước thấy được mà mọi tầng lớp nhân dân, cả bạn bè quốc tế đều biết mới có một sức mạnh tổng hợp trong phát triển đất nước”, Thủ tướng nói. Muốn vậy, ngoài các bài viết, hình ảnh sinh động, phương thức thông tin truyền thông rất quan trọng trong một thế giới đa cực như hiện nay.

Thứ năm, chú trọng đổi mới tư duy trong công tác thông tin đối ngoại. Sản phẩm thông tin đối ngoại phải thực sự có ý tưởng, sự sáng tạo, đổi mới, tập trung vào các vấn đề lớn của đất nước để có những cách thức, những phương tiện phù hợp, thích hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong công tác thông tin đối ngoại.

Thứ sáu, cần phát huy tính chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm của lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất trong công tác thông tin đối ngoại ở các cơ quan báo chí truyền thông, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, nhà nghiên cứu. “Tôi đề nghị các cơ quan đối ngoại, quản lý báo chí cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại; tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản được tác nghiệp trong các sự kiện chính trị- đối ngoại lớn của đất nước, để tạo ra nhiều sản phẩm thông tin đối ngoại có chất lượng cao, kể cả việc cử phóng viên tháp tùng lãnh đạo trong các đợt, các chuyến đi công tác nước ngoài để có thông tin”, Thủ tướng nói.

Theo Ban Tổ chức, Giải thưởng năm 2018 có khoảng 1.000 tác phẩm tham gia ở 8 loại hình báo chí với 13 ngôn ngữ. Các tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn 130 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và 12 nhà xuất bản trên toàn quốc...

Đặc biệt, Giải thưởng thu hút sự tham gia của gần 30 tác giả, nhóm tác giả là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài như Yuri A.Denisovich, phóng viên thường trú Hãng thông tấn TASS (Nga) tại Việt Nam; Youngkyu Min, phóng viên Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc); Sh. Batbold - D. Sainbayar, phóng viên thường trú Hãng thông tấn Mông Cổ tại Việt Nam; nhà báo Mariela Valenzuela Pérez, Alberto Salazar (Cuba); Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma...

Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 90 tác phẩm xuất sắc để vinh danh, gồm 8 giải Nhất, 17 giải Nhì, 25 giải Ba và 40 giải Khuyến khích.

Theo CHINHPHU.VN