Thủ tướng Chính phủ: Thế và lực của chúng ta đã lớn mạnh hơn nhiều
(BDO)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội diễn ra sáng 22/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn giai đoạn 2010 - 2015, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn và quy mô nền kinh tế tăng mạnh.
Việc nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2018, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước vào những năm cuối nhiệm kỳ.
Qui mô nền kinh tế tăng mạnh
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, dự báo cả năm GDP sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội để ra ở mức 6,7%.
Bên cạnh đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4% và là năm thứ 3 liên tiếp kiếm soát dưới 4%.
Thủ tướng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 3% dự toán và bội chi ngân sách nhà nước ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 3,7%.
Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước đã đi vào thực chất hơn, người đứng đầu Chính phủ cho hay, việc bán cổ phần lần đầu 20 doanh nghiệp đã thu về 20,3 nghìn tỷ đồng, thoái vốn thu về 7,9 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Trong đó, năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,62%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,35%) và vượt mục tiêu kế hoạch 2016-2020 khi đề ra là 5%.
"Qui mô nền kinh tế tăng mạnh, gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đề cập đến thị trường chứng khoán, Thủ tướng cho biết, qui mô thị trường đến nay đạt khoảng 113% GDP, hiện chỉ số VN-Index đang ở mức trên dưới 1.000 điểm.
Với diễn biến tích cực trên, Thủ tướng cho rằng, thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% năm 2019
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong đó, Thủ tướng lo ngại sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...
Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.
Trong khi đó, về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng GDP để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích, diễn biến mức tăng trưởng GDP của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm.
"Cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì cho tăng trưởng GDP năm 2019 và năm cuối kế hoạch 5 năm 2016-2020," đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn (18,26 tỷ USD). Bên cạnh đó, xuất khẩu còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm tỷ trọng 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Do vậy, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích sâu hơn các yếu tố tác động dẫn đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn 3-4% so với kế hoạch.
Dẫn thêm các ý kiến gửi đến Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ hơn về các tác động của tình hình thương mại toàn cầu, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018...
Trước những dự báo đưa ra, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Cụ thể, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8% trong năm 2019, trong khi tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4% và tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 3%...
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Chính phủ đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên cao nhất là củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh đồng thời phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, cũng như chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hành động quyết liệt, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020./.
Theo TTXVN