Thủ tướng: Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ năm, ngày 20/11/2014

(BDO)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại phiên giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam còn nhiều hạn chế, cải thiện còn chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.

Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6.

Theo đó, thời gian nộp thuế sẽ được rút ngắn còn 121,5 giờ/năm, số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm Hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại; thời gian nộp bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ/năm; thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp còn tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn 18 ngày.

Khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua, thời gian thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng hiện nay còn tối đa 30 tháng.

Để thực hiện điều này, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng với việc thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, Chính phủ cũng vận hành đồng bộ, thông suốt các loại thị trường, nhất là các thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ. Thực hiện phân bổ nguồn lực và quản lý giá theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức. Tiếp tục giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập giải thể phá sản doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... bảo đảm công khai minh bạch. Chính phủ xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong quản lý điều hành.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2013 xếp thứ 70/148 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2012. Hầu hết các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam đều ở dưới mức trung bình, nhất là thể chế (xếp thứ 98), hạ tầng (xếp thứ 82), giáo dục đào tạo bậc cao (xếp thứ 95), phát triển doanh nghiệp (xếp thứ 98), mức độ sẵn sàng về công nghệ (xếp thứ 102), thị trường tài chính (xếp thứ 93).

Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng xếp hạng Việt Nam đứng thứ 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 1 bậc so với năm trước đó Các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam là rất thấp, nhất là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (xếp thứ 169), tiếp cận điện năng (xếp thứ 155), xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (xếp thứ 149), nộp thuế (xếp thứ 138), thành lập doanh nghiệp (xếp thứ 108).

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư...

Chính phủ cũng đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp quy nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngay trong năm nay, đưa số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (thấp hơn mức bình quân 171 giờ/năm của ASEAN-6).

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã rà soát, đơn giản hóa quy trình thủ tục và chính thức triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế, phấn đấu đến năm 2015 thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, riêng việc áp dụng Cơ chế một cửa hải quan quốc gia giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp….

Vì vậy, Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10/2014 của WB (số liệu tính đến tháng Sáu năm nay) đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 21 bậc, từ 99 lên 78/189.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu công bố tháng Chín vừa qua của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá với triển vọng ổn định).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp. Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, nhưng trong thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ... vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Một số bộ ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ cấp thiết./.

Theo TTXVN