Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương
(BDO) Chiều 3-12, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng và những kiến nghị đề xuất của Bình Dương. Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh đã báo cáo kết quả điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân; phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân đón tết; phòng chống dịch bệnh Covid-l9, dịch sốt xuất huyết; đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kết quả đã đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Về đầu tư công: Đến 30-11-2022, tổng giá trị giải ngân là 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch tỉnh (cùng kỳ đạt 41,1% kế hoạch) và đạt 46,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; phấn đấu đến 30- 1-2023 tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm và định kỳ tổ chức họp để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc. Tuy nhiên, hiện nay còn một số vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng; tiến độ thực hiện và giải ngân của một số dự án trọng điểm còn chậm.
Kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh: Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng dựng nông thôn mới, đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3/6 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang trình hồ sơ 3 huyện còn lại (Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên) công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tiến tới hoàn thành nông thôn mới cấp tỉnh. Năm 2023, phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 100% đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022-2025, Bình Dương thực hiện 2 chuẩn nghèo song song: chuẩn nghèo đa chiều quốc gia theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ và chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh theo Nghị quyết số 05/2022/HĐND ngày 20-7- 2022 của HĐND tỉnh theo 2 tiêu chí thu nhập (nông thôn: 2,1 triệu đồng/người/tháng; thành thị: 2,6 triệu đồng/người/tháng) và 6 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
Theo chuẩn nghèo quốc gia: toàn tỉnh có 4.093 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,23% trên tổng số 332.224 hộ và số hộ cận nghèo là 2.960 hộ, chiếm 0,89% trên tổng số 332.224 hộ. Hiện tỉnh đang triển khai điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 2,3% tổng số hộ. Năm 2023, phấn giảm giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Ông Võ Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là Chương trình lần đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao các cơ quan, đơn vị đề xuất các dự án, phương án triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Võ Văn Minh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: đường vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép, điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành quả của tỉnh Bình Dương đạt được trong năm 2022, đồng thời cho rằng Bình Dương đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động đi lên trong thời gian qua và cần tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bên cạnh thời cơ thuận lợi thì tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, phải luôn bám sát, nắm chắc tình hình và hết sức linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Thủ tướng yêu cầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ trước tình hình, mà phải giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì trong những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình, nhất là trước các vấn đề phát sinh.
"Phát huy tối đa nội lực, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kết luận cuộc làm việc lần trước của Thủ tướng với tỉnh...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh bám sát, nắm chắc tình hình để tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để hỗ trợ doanh nghiệp. Phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh cần rà soát, trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp có liên quan tới bất động sản, phát hành trái phiếu, khó khăn tiếp cận vốn… để cùng các doanh nghiệp đánh giá tình hình, phân loại và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tái cơ cấu lại doanh nghiệp. "Phải xem công việc của doanh nghiệp như việc của mình, xem khó khăn của họ như việc của mình, xem thành công của họ như thành quả của chính mình. Càng khó khăn càng phải phối hợp chặt chẽ, mỗi người, mỗi bên cùng cố gắng, chia sẻ, thậm chí hy sinh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; thúc đẩy công tác tiêm chủng vaccine, phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng đề nghị Bình Dương quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong tháng 6-2023 theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm. Thủ tướng lưu ý những vị trí "đất vàng" phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm, từ đó thu hút người đến làm, người đến ở, phát triển đồng bộ các loại hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, như vậy mới có thể phát triển bền vững các dự án đô thị, bất động sản...
Về các đề xuất, kiến nghị của Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với tỉnh Bình Dương để giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần làm tốt công tác xây dựng chỉnh đốn đảng, phát huy vai trò, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng trong thời gian tới.
Thủ tướng cho rằng, Bình Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. "Bình Dương phải phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, toàn diện, bền vững, không để ai ở lại phía sau. Qua đó góp phần phát triển vùng Đông Nam Bộ, cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân", Thủ tướng nói và tin tưởng với một thái độ làm việc, với một tinh thần, trách nhiệm như vừa qua thì Bình Dương sẽ đạt thành quả cao hơn nữa trong năm 2023.
Trí Dũng - Quốc Chiến