Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bình Dương cần phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn
(BDO) Chiều 19-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và quý I-2022; nhiệm vụ trọng tâm thực hiện từ nay đến cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, năm 2021, Bình Dương trải qua rất nhiều khó khăn. Đợt dịch thứ 4 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Bước sang năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng, giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau đại dịch. Nhưng nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực đạt được kết quả khả quan. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.
Trong quý I-2022, tỉnh đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ chăm lo tết cho người có công, đối tượng chính sách, xã hội, công nhân khó khăn, hộ nghèo, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí gần 1.100 tỷ đồng. Tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm thông thường; tổ chức, sắp xếp lại hoạt động khu cách ly, điều trị Covid-19; kịp thời tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo qui định.
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, gắn với xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện nghị quyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trọng tâm, là lãnh đạo tổ chức quán triệt học tập, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các kết luận, quy định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Tiếp tục củng cố, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ đối với một số đơn vị trong hệ thống chính trị; triển khai các bước xây dựng qui hoạch cán bộ nhiệm kỳ mới; Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, tập trung chăm lo đời sống, vật chất cho công nhân lao động, đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Về một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động phòng chống dịch Covid – 19, nhất là củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng y tế cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế; thực hiện có hiệu quả chiến dịch tiêm phủ vắc xin mũi 3 cho người dân, kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em 5-11 tuổi và điều trị, quản lý tại nhà đối với người nhiễm Covid.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác
Về phát triển kinh tế xã hội, tỉnh quyết liệt thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trọng tâm là tập trung triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính, hoàn thành quy hoạch tỉnh và các qui hoạch cấp huyện, xã trong năm 2022 một cách đồng bộ. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện các dự án có tác động liên vùng như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4. Phối hợp các địa phương thực hiện các dự án: cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Đồng Nai - Bình Dương; cầu nối tỉnh Tây Ninh - Bình Dương; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên sông Sài Gòn và các dự án giao thông quan trọng nội tỉnh như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, nút giao thông Phước Kiến, cầu vượt Sóng Thần, kết nối với Đường Phạm Văn Đồng – TP.Hồ Chí Minh…;
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Dương kiến nghị với Thủ tướng và đoàn công tác một nội dung liên quan đến hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi triển khai nhanh dự án Đường Vành đai 3, Vành đai 4; Đường Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương một số dự án đầu tư Đường sắt đô thị (Kéo dài tuyến Metro số 1 tại Suối Tiên đến tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai); tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép. Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tuyến cuối tại tỉnh Bình Dương, với quy mô 2.000 giường để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh và trong vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ đối với tỉnh Bình Dương là rất toàn diện liên quan đến nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.... Qua báo cáo của tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành đã phát biểu ý kiến, góp ý toàn diện sâu sát cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Đối với những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp thu để hoàn thiện thông báo của Thủ tướng Chính phủ về buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương sát với tình hình thực tiễn để tỉnh phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.
Thủ tướng cho rằng tiềm năng lợi thế của tỉnh Bình Dương là rất lớn, trong đó, tiềm năng rất lớn nhất là con người. Dân số của tỉnh hiện nay 2,7 triệu người trong đó lực lượng lớn là người lao động ngoại tỉnh đã tạo thuận lợi cho phát triển của tỉnh. "Nhân dân Bình Dương có truyền thống cách mạng, cần cù lao động, năng động, sáng tạo luôn luôn khát vọng vươn lên. Thành tựu 25 năm tái lập tỉnh đã cho thấy được khát vọng vươn lên của tỉnh và Bình Dương có thể trở thành động lực phát triển trong vùng và cả nước...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương
Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng còn một số khó khăn bất cập. Đó là hạ tầng giao thông kết nối với khu vực mặc dù rất cố gắng nhưng so với yêu cầu phát triển vẫn chưa tương xứng; phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa chưa tương xứng với phát triển chung của tỉnh. Huy động nguồn lực ngoài nhà nước khu vực tư nhân chưa mạnh, công tác lập quy hoạch đã làm tốt nhưng quy hoạch phải mang tính đột phá, có tầm nhìn chiến lược ổn định lâu dài để phát huy hết tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh.
Thủ tướng đề nghị Đảng bộ tỉnh cần khắc phục những điểm yếu và rút ra những bài học để phát huy tốt hơn tinh thần đoàn kết, thống nhất, lao động, sáng tạo. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành và các bộ, ngành. Tập trung chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền để có thêm điều kiện huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thực hiện phương châm thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid- 19, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục tục cụ thể hóa kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội. Nâng cao vai trò vị trí tầm quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước. Đẩy mạnh hơn nữa phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng xã hội, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ tương xứng với sự phát triển của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hạ tầng số, chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển hệ sinh thái công nghiệp nghiệp xanh thông minh bền vững bao trùm và không để ai để lại phía sau. Phát triển kinh tế nông nghiệp phục vụ đắc lực hiệu quả cho phát triển công nghiệp. Lấy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp làm động lực phát triển. Thủ tướng mong Bình Dương xây dựng thành công mô hình đổi mới sáng tạo và kỳ vọng tỉnh phát triển nhanh bền vững trong thời gian tới.
Trí Dũng