Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ động phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng
(BDO) Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, 8 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào đón các đại biểu cùng đến dự hội nghị. Ảnh: XUÂN THI
Về phía tỉnh Bình Dương có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: XUÂN THI
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong phòng chống dịch Covid-19, chúng ta đã có quyết sách đúng, kịp thời, đi trước. Đồng thời, chúng ta thực hiện mục tiêu kép: Kiên quyết chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và không để đổ gãy nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh kinh tế tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam quý I vẫn tăng trưởng khoảng 4% và tháng 5 tình hình tốt hơn.
Thủ tướng khẳng định các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất quan trọng, chiếm 42% GDP của cả nước, 43% thu ngân sách. Do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành đóng góp ý kiến để Thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ, ngành lắng nghe đưa ra quyết sách đúng. Đồng thời, Thủ tướng cũng rất muốn nghe ý kiến của các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tìm ra định hướng phát triển, chủ trương sát thực tiễn, có cơ sở khoa học để điều hành. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất một số giải pháp để thực hiện tốt nhất các chủ trương như giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động hoạt động kinh tế - xã hội thông suốt, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy các nguồn lực về phát triển cơ sở hạ tầng, có biện pháp đón dòng vốn đầu tư mới đang dịch chuyển vào Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN THI
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, kiến nghị tỉnh đề nghị bố trí vốn cho đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một cũng như ủng hộ chủ trương kéo dài 1,8km tuyến metro số 1 TP.HCM bằng vốn vay ODA Nhật Bản.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị Ảnh: XUÂN THI
Các tỉnh, thành khác kiến nghị cần phải có "quy hoạch liên tỉnh", triển khai dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Liên Khương để đón đầu sân bay Long Thành; sớm bố trí vốn cho dự án giao thông kết nối như đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Chơn Thành - Đức Hòa, TP.HCM - Long An - Tiền Giang), cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư, đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư...
Trước đó, Thủ tướng đã đi thị sát khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), dự án cầu Phước An; thăm dự án của Công ty Hyosung (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD, sản xuất hóa chất.
Ngọc Thanh - Tiểu My