Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Quyết tâm khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh

Thứ sáu, ngày 10/04/2020

(BDO) Sáng 10-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về  các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh thất nghiệp và dừng sản xuất do dịch bệnh; bảo đảm an ninh trật tự.


Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Bình Dương

Dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Tại điểm cầu Bình Dương có các đồng chí: Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19 thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các cấp, các ngành với nhân dân nhằm ổn định đời sống nhân dân, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, trên tinh thần mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân, doanh nghiệp đều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm các thành phần yếu thế của xã hội có cuộc sống tối thiểu cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, điều trị phục hồi cho tất cả người nhiễm dịch, không để lây lan, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam.

Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn; đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm trong ngắn hạn.

Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Nội dung chính của Dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19. 

Hội nghị cũng được nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo các giải pháp về chính sách tài khóa, gia hạn, miễn, giảm, các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo các giải pháp về chính sách tiền tệ, lãi suất; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo nội dung chính Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo phương án bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hội nghị cũng được nghe đại diện các địa phương: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Tây Ninh, An Giang và một số địa phương khác phát biểu tham luận một số giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên đánh giá, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn, các Bộ liên quan trực tiếp, đặc biệt là về giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Quan tâm đến tình hình sản xuất, kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung, phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân; có các giải pháp thúc đẩy đầu tư xã hội, đầu tư khu vực tư nhân theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; tận dụng cơ hội thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, chủ động các giải pháp để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững. Quyết tâm thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cá nhân, doanh nghiệp đều phải cố gắng, vươn lên, thúc đẩy phát triển để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội.

Ngọc Thanh